Google đã cố tình chọn ngày Cá tháng tư năm 2004 để giới thiệu dịch vụ thư điện tử với dung lượng lưu trữ không tưởng.
Nếu muốn chọn ngày để đánh dấu một cột mốc trọng đại, chắc hẳn sẽ chẳng mấy ai lại lấy ngày Cá tháng tư. Thế nhưng, vào đúng ngày đó cách đây tròn một thập kỷ, Gmail trình làng.
Thông tin Google chuẩn bị cung cấp dịch vụ e-mail miễn phí đã rò rỉ trước đó một ngày. Nhà báo John Markoff của New York Times cho biết sản phẩm sắp ra mắt. Nhưng điều khiến mọi người hoài nghi là hòm thư có dung lượng 1 GB - lớn gấp 500 lần so với những gì Microsoft Hotmail thời đó cung cấp. Điều này nghe khó tin như thể Apple giới thiệu iPhone có bộ nhớ hàng trăm GB vậy.
Giao diện trang Gmail vào ngày 31/1/2004 trước khi sản phẩm chính thức xuất hiện.
1/4 không phải sự lựa chọn ngẫu nhiên. Google có truyền thống trêu đùa người dùng vào ngày Cá tháng tư từ năm 2000. Năm 2004, Google cũng tuyên bố rằng họ đang xây dựng một trung tâm nghiên cứu trên mặt trăng. Họ đoán (và về sau đã đúng) rằng việc công bố Gmail cùng thời điểm sẽ tạo ra sự bán tín bán nghi.
"Sergey Brin, đồng sáng lập Google, là người hào hứng nhất. Thật là thú vị khi cho ra mắt một thứ gì đó điên rồ đúng ngày 1/4 và rồi người ta nhận ra thứ đó vẫn tồn tại vào 2/4", Paul Buchheit, tác giả của Gmail, cho hay. "Báo chí liên lạc dồn dập với câu hỏi: Chúng tôi cần biết các cậu đang đùa, hay đây là sự thật".
Gmail không những có thật, nó còn thực sự mang tính cách mạng.
Là dịch vụ đột phá đầu tiên của Google kể từ khi công cụ tìm kiếm trực tuyến ra đời năm 1998, Gmail nhanh chóng đè bẹp Hotmail và Yahoo - 2 webmail đình đám thời đó. Hòm thư có dung lượng lưu trữ lớn, giao diện đơn giản nhưng sinh động, hỗ trợ tra cứu nhanh và nhiều tính năng cải tiến khác.
Tại Google, Gmail ban đầu được xem như một canh bạc lớn và không chắc chắn. Dịch vụ này đã được phát triển trong gần ba năm trước khi chính thức công bố.
Paul Buchheit, gia nhập Google năm 1999 và là nhân viên thứ 23 của hãng, bắt đầu xây dựng Gmail, tên mã Caribou, từ tháng 8/2001. Trước đó, ông từng viết một chương trình e-mail từ năm 1996.
Paul Buchheit năm 1999 và hiện tại.
Việc đầu tiên Buchheit làm là tạo công cụ tìm kiếm cho dịch vụ e-mail và ông chỉ cần một ngày để hoàn thành. Sau nhiều cải tiến, Gmail có tính năng tra cứu tốt hơn bất cứ dịch vụ e-mail nào khác. Nhưng nếu chỉ có dung lượng bằng với Hotmail, nó sẽ không cần một công cụ tìm kiếm mạnh. Người dùng cần gì đến khả năng tìm kiếm siêu việt khi mà họ chỉ có vỏn vẹn vài megabyte miễn phí để lưu trữ và liên tục bị yêu cầu xóa bớt e-mail cho đỡ đầy.
Tìm kiếm là để cho dịch vụ có dung lượng lớn, cho những người có nhu cầu giữ lại toàn bộ e-mail thay vì phải thường xuyên xóa thư. Do đó, Google quyết định "cho không" người dùng 1 GB.
Trong những năm đầu, một trong những nguyên nhân thành công của Google là chỉ tập trung vào công cụ tìm kiếm trong khi Yahoo, Excite, Lycos... hướng đến xây dựng "cổng thông tin", mở rộng từ thời tiết, thể thao cho tới game. Vì vậy, khi biết về dự án Gmail, không ít người nghĩ đây là một ý tưởng tồi cả về sản phẩm lẫn chiến lược. "Họ lo lắng vì e-mail chẳng có gì liên quan đến công cụ tìm kiếm. Số khác lại sợ rằng các công ty như Microsoft sẽ tìm cách tiêu diệt chúng tôi", Buchheit kể lại.
May mắn là trong số những người hoài nghi không có hai nhà sáng lập Google. Larry Page và Sergey Brin luôn tỏ ra ủng hộ dự án. Buchheit làm một mình trong khoảng hai tháng trước khi có thêm kỹ sư Sanjeev Singh - người cùng ông thành lập mạng xã hội FriendFeed sau khi rời Google năm 2006 (FriendFeed được Facebook mua lại năm 2009). Đến thời điểm ra mắt, đội ngũ phát triển Gmail cũng chỉ có hơn 10 người.
Tháng 8/2003, sau 2 năm cố gắng, giao diện Gmail vẫn thô sơ và Google tuyển thêm Kevin Fox với nhiệm vụ thiết kế lại dịch vụ (sau khi rời Google, ông gia nhập FriendFeed với Buchheit và Singh).
Fox biết rằng Gmail cần mang phong cách của Google. Thách thức là ông không thực sự rõ phong cách đó là như thế nào vì Google chưa cung cấp nhiều dịch vụ. Một trong những sản phẩm tạo cảm hứng cho Fox là Google News, nhưng tìm kiếm và tin tức đều là website còn Gmail là ứng dụng web.
Giao diện ban đầu của Gmail không quá khác biệt so với hiện nay.
Coi Gmail là một ứng dụng chứ không phải một website cũng mang đến sự khác biệt. Hotmail và Yahoo Mail ra đời từ giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, chúng có giao diện chậm chạp và được viết bằng HTML truyền thống. Mọi hoạt động mà người dùng thực hiện trên đó đều đòi hỏi tải lại toàn bộ trang web, khiến họ phải chờ khá lâu mới chuyển sang được một tác vụ khác. Với Gmail, Buchheit vượt qua hạn chế của HTML truyền thống bằng cách sử dụng tổ hợp công nghệ AJAX, giúp hòm thư nhanh nhạy như một phần mềm thay vì như một trang web. Ngày nay, các ứng dụng web đều được xây dựng như vậy, nhưng khi Gmail lựa chọn kỹ thuật này, họ còn chưa rõ nó có hoạt động hay không vì trình duyệt khi đó vẫn chưa tốt.
Gmail sử dụng AJAX càng nhiều, nó càng trở nên tinh tế. Một trong những tính năng hàng đầu là các e-mail không còn được xếp rời rạc và riêng rẽ theo thứ tự thời gian. Thay vào đó, các thư nhận đươc và gửi đi được trình bày trong cùng một luồng để tạo thành một cuộc hội thoại xuyên suốt.
Một số người trong Google muốn Gmail là dịch vụ trả tiền, nhưng Buchheit và số khác lại muốn dịch vụ tiếp cận được càng nhiều người dùng càng tốt. Miễn phí đồng nghĩa với những banner quảng cáo nhấp nháy, nhưng Google không muốn treo banner. Họ chọn hiển thị quảng cáo dạng text nhỏ sử dụng những từ khoá xuất hiện trong e-mail của người sử dụng.
Các dịch vụ e-mail khác cũng quét thông điệp để kiểm tra virus, thư rác. Nhưng quét nội dung thư cho mục đích quảng cáo như Gmail là điều mới mẻ và có phần đáng sợ. Hãy hình dung bạn sẽ cảm thấy thế nào khi trao đổi e-mail về kỳ nghỉ ở bãi biển thì sau đó bạn thấy hòm thư hiển thị các quảng cáo về khách sạn quanh đó... Những tranh cãi về bảo mật thông tin này tới nay vẫn chưa đi đến hồi kết, thậm chí Google còn nhiều lần bị kiện ra toà.
Gmail không có banner quảng cáo mà hiển thị quảng cáo dưới dạng text (đường link).
Đến đầu 2004, hầu hết nhân viên Google sử dụng Gmail để truy cập hệ thống e-mail nội bộ. Cả nhóm phát triển làm việc cật lực để có thể đưa ra sản phẩm đúng ngày 1/4 như kế hoạch vì Gmail vẫn chưa thực sự sẵn sàng. Google chưa có máy chủ đủ mạnh để cung cấp dung lượng lưu trữ và dịch vụ e-mail ổn định cho hàng triệu người.
Cuối cùng, Gmail chạy trên 300 chiếc máy tính Pentium III cũ nhưng đủ cho số người nhận đợt thư mời dùng thử đầu tiên. Sau khi Gmail được xác nhận không phải trò đùa, thư mời trở thành thứ hàng "hot" mà nhiều người săn lùng. Google phải triển khai hạn chế vì họ chưa thể cung cấp đủ dung lượng, nhưng điều đó càng làm mọi người muốn sở hữu hòm thư. "Google được ca ngợi đã thực hiện một trong những bước đi ấn tượng nhất trong lịch sử công nghệ về marketing. Nhưng thực ra, mọi thứ diễn ra một cách không có chủ ý", Georges Harik, người chịu trách nhiệm cho hầu hết các sản phẩm mới của Google khi Gmail còn trong trứng nước, cho hay.
Thư mời đăng ký Gmail được đấu giá lên đến 150 USD trên eBay. Một số trang web xuất hiện để làm trung gian cho những người muốn bán và mua thư mời. Những người sớm sở hữu tài khoản Gmail có cảm giác như được tham gia một câu lạc bộ mà đa số không được phép vào.
Gmail đã xuất hiện được 10 năm và hiện có dung lượng lưu trữ miễn phí 15 GB.
Gmail cũng là sản phẩm được thử nghiệm (beta) lâu nhất. Google duy trì việc đăng ký Gmail thông qua thư mời đến tận ngày 14/2/2007 và cũng phải tới tháng 7/2009, dịch vụ này mới "thoát kiếp" beta. Lần gần nhất hãng dịch vụ Internet Mỹ chia sẻ về số lượng người dùng là vào năm 2012 khi Gmail có 425 triệu thành viên.
Nguồn: VnExpress