Bất kể điều gì đã xảy ra cho máy bay mất tích thuộc hãng hàng không Malaysia Airlines, việc chiếc Boeing 777 to lớn bay vòng vèo qua các vùng trời Đông Nam Á mà không hề bị phát hiện cho thấy sự yếu kém của hệ thống phòng không trong khu vực, các chuyên gia quốc tế bình luận.
Phi công thuộc lực lượng tuần duyên Nhật Bản đang lái máy bay tham gia chiến dịch tìm kiếm chiếc Boeing 777 mất tích trên biển Đông - Ảnh: Reuters
Vào hôm 15.3, Thủ tướng Malaysia Najib Razak thông báo chính phủ nước này hiện tin rằng chiếc máy bay MH370 đã bay thêm gần 7 tiếng đồng hồ sau khi biến mất khỏi màn hình radar dân sự hôm 8.3, theo Reuters.
Ngoài ra, ông cũng cho rằng “đã có ai đó” trên máy bay cố ý tắt hệ thống liên lạc trên máy bay.
Các nhà phân tích và quan chức chính phủ các nước lưu ý rằng đã không có bất kỳ báo động nào khi chiếc Boeing 777 này đã bay một đoạn ngang qua biển Đông, khu vực đang có căng thẳng về địa chính trị và hoạt động quân sự, rồi quay đầu trở lại để bay băng qua bán đảo Malaysia để hướng về phía Ấn Độ.
Điều này cho thấy phần lớn không phận trên mặt biển, và cả nhiều vùng bao phủ đất liền, mà chiếc máy bay bay qua đã không hề được hệ thống radar kiểm soát hoặc đã không được giám sát bởi các radar đủ khả năng.
“Một số quốc gia sẽ bẽ mặt (sau vụ máy bay mất tích) vì quá dễ dàng để băng qua không phận nước họ”, Reuters dẫn lời ông Micheal Harwood, một phi công Không quân Hoàng gia Anh và là cựu tùy viên quốc phòng tại Washington (Mỹ), bình luận.
“Quá tốn kém”
Để nhận biết và kiểm soát máy bay, hệ thống kiểm soát không lưu phụ thuộc gần như hoàn toàn vào bộ phát sóng trên máy bay, các chuyên gia hàng không cho hay.
Trong vụ máy bay mất tích của Malaysia Airlines, bộ phát sóng đã bị vô hiệu hóa vào thời điểm chiếc máy bay đang sắp bay từ không phận Malaysia sang Việt Nam.
Trong khi đó, quân đội thường không để ý đến các máy bay được radar quân sự nhìn thấy vì họ cho rằng đó chỉ là các chuyến bay thương mại thông thường, Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao của Ấn Độ cho biết.
Điều này có lẽ đã lý giải vì sao hệ thống radar quân sự trên quần đảo Andaman và Nicobar hay khu vực khác thuộc Ấn Độ đã không nhận ra chiếc Boeing 777 mất tích khi nó bay đến đây.
“Chúng tôi có rất nhiều radar quân sự hoạt động trong khu vực này, nhưng đã không có gì được phát hiện. Nhiều khả năng là các radar này đã bị tắt đi theo như quy định yêu cầu khi chúng tôi đang trong tình trạng an ninh bình thường”, Reuters dẫn lời Chuẩn Đô đốc Sudhir Pillai, người đứng đầu bộ chỉ huy quân sự quần đảo Andaman và Nicobar, cho hay.
Một nguồn tin giấu tên từ quân đội Ấn Độ tiết lộ với Reuters rằng New Delhi không duy trì các trạm radar hoạt động 24/24 vì lý do chi phí.
“Quá tốn kém”, nguồn tin này trả lời khi được hỏi vì sao radar không hoạt động liên tục.
“Đây là vấn đề của người khác”
Một số chuyên gia hàng không đã nhận định rằng sự phối hợp trong chiến dịch tìm kiếm chiếc máy bay mất tích, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Malaysia, gặp khó khăn vì đã có lo ngại năng lực quốc phòng bị lộ.
Trung Quốc đã điều động 10 vệ tinh do thám và nhiều tàu thuyền cùng máy bay để hỗ trợ việc tìm kiếm. Nước này cũng đã lên tiếng chỉ trích các ứng phó với tình huống máy bay mất tích của Malaysia.
Giới quan sát nhận định rằng mặc dù radar quân sự Malaysia có vẻ đã phát hiện ra chiếc máy bay, nhưng rõ ràng đã không có bất kỳ nỗ lực nào được thực hiện để ngăn cản nó, cũng như không có ai nhận ra đã có gì đó không ổn khi radar nhận thấy máy bay lạ.
Sơ suất rõ ràng này của phía Malaysia khiến nhiều chuyên gia phân tích, cùng cựu và cả các quan chức đương nhiệm của các nước sửng sốt, theo Reuters.
“Thật khó có thể nói chính xác vì sao họ không lưu ý đến nó (chiếc máy bay do radar quân sự phát hiện)”, bà Elizabeth Quintana, một chuyên gia nghiên cứu cấp cao về hàng không thuộc RUSI, học viện nghiên cứu an ninh quốc phòng hàng đầu của Anh, nói.
“Có lẽ quân đội Malaysia vào thời điểm đó tập trung tìm kiếm, phát hiện những mối đe dọa khác, chẳng hạn như những chiếc máy bay bay tốc độ cao, và cảm thấy rằng chiếc máy bay của Malaysia Airlines là vấn đề của người khác”, bà này nói.
Các quan chức chính phủ nói với Reuters rằng những tình huống như vậy sẽ được phát hiện và xử lý nhanh hơn rất nhiều nếu xảy ra trên không phận Bắc Mỹ hoặc châu Âu, nơi hệ thống radar giám sát của quân đội lẫn dân sự liên tục cảnh giác trước các mối đe dọa không tặc hay những máy bay lạ xâm phạm sau vụ khủng bố 11.9 ở Mỹ.
Việc bộ phát sóng ngưng hoạt động bất ngờ sẽ chứng tỏ rằng nhiều khả năng đã có tình huống tồi tệ xảy ra, các quan chức giấu tên này cho hay.
Theo TNO