Latest Post

Hai khoảnh khắc của sự thật

Alan George (A.G) Lafley, President và CEO của P&G toàn cầu, người vừa đoạt giải "CEO của năm 2006", đã từng uỷ lạo binh sĩ với những tư tưởng sau về "two moments of truth".

Hai khoảnh khắc của sự thật cần phải chiến thắng, để có thể hoàn toàn minh chứng sự hiệu quả của công tác Marrketing:

- Khoảnh khắc thứ nhất: tại điểm bán hàng
+ Hiểu rõ người tiêu dùng trong vai trò người mua hàng
+ Cân bằng giữa "lời hứa của nhãn hiệu" với giá bán tại quầy
+ Những điểm bán lẻ vừa là đối tác, lại vừa là đối thủ

- Khoảnh khắc thứ 2: lúc sản phẩm được sử dụng
+ Uy tín của nhãn hiệu được xây dựng khi lời hứa được thực hiện
+ Các nhãn hiệu mạnh là những công cụ đắc lực nhất chống lại các nhãn hiệu của nhà bán lẻ

Nếu một "CEO xuất sắc nhất năm" nói như thế, mà lại là President của P&G toàn cầu, ắt là cũng đáng cho chúng ta suy gẫm. Vậy, chiến thắng tại điểm bán hàng, hay "1st Moment of Truth" là câu chuyện mà Lệnh Hồ muốn kể. Không những P&G, mà cả Nestle, Unilever đều thuộc nằm lòng, và hơn như vậy nữa, là làm cho bằng được.

Nhận thức của người tiêu dùng và phương tiện truyền thông

Người tiêu dùng sẽ tiếp nhận các thông điệp từ các nhãn hiệu như thế nào?

Ở nhà, đêm trước người ta xem TV, nhìn thấy những Clip quảng cáo. Buổi sáng người ta đọc tờ báo mới bên bàn ăn sáng....

Rồi người ta đánh xe ra đường, mặc cho giá xăng tăng, người ta vẫn còn kịp nhìn thấy những tấm pano, billboard trên phố hay những toà nhà cao tầng, những sáng tác quảng cáo tên nhà chờ xe buýt...

Người ta chợt hiểu, rằng đời vô vị nếu thiếu nhãn A, và người ta muốn "Nữa đi" với nhãn B, và phải mua ngay túyp kem chống ghẻ của nhãn C...

Nhưng ý định sẽ dễ dàng ngưng ở đó, nếu người ta vào siêu thị, chợ, hay ghé quán bà Bảy ven đường mà lại cũng có những anh X, Y, Z thề hẹn giúp cho người ta sống thêm có vị, hay không cần phải "Nữa đi", hay chẳng là C cũng có thể giúp anh diệt ghẻ...

Như vậy, trong "lộ trình dẫn tới mua hàng của NTD" (Path to Purchase), điểm bán hàng lại trở thành 1 thời khắc tốt quan trọng trong việc tác động tới nhận thức của NTD, như là một phương tiện truyền thông. Và quầy kệ, POSM, bao gói sản phẩm, em gái bán hàng... trở thành những vật tải đi thông điệp trên phương tiện truyền thông ấy. Nhưng hơn thế nữa, khó có TVC hay Print Ad nào làm được:

Cung cấp hẳn hòi sản phẩm, giá cả, giải thích tận tình các chương trình khuyến mãi... và thò tay móc túi NTD được ngay

NTD có thể sờ nắn, trãi nghiệm, so sánh... (thề luôn, Lệnh Hồ từng quan sát thấy một số bạn gái còn... ngửi thử cả BVS xem mùi nó thế nào )

Lại là lúc mà NTD có thể minh chứng lòng yêu mến của mình đối với các thông điệp từ các nhãn hiệu (xem TV thấy thích A lắm, nhưng tới nơi nhìn thấy B lại đem lòng phản bội, hoá ra yêu B mất trước rồi cho dù A có tán hay thế nào đi nữa)


Hãy còn, là bao nhiêu thứ nữa...

Sự phát triển của kỹ thuật công nghệ, sự phân tán mỏng của các phương tiện truyền thông (giờ người ta tuyên truyền cả trong toilet!), đòi hỏi ngày càng khắt khe của NTD, khiến cho các nhãn hiệu cong lưng mà tìm phương tiện khác để tán tỉnh.

Đôi khi - thậm chí lắm khi - các chương trình MKT lập ra để giải quyết vấn đề I của doanh nghiệp, nhưng khi triển khai lại vướng phải những vấn đề khác ở trong một bối cảnh rộng hơn. Lúc đó, lại phải xem nặng vai trò của từng điểm tiếp xúc với NTD, xem chúng có tiềm năng gì cho công cuộc khuếch trương chủng loại sản phẩm

Tới lúc này, thì rõ ràng là điểm bán hàng trở nên tuyến đầu trận chiến, nơi tung ra những đòn quyết định. Quảng cáo, kích hoạt, hay truyền thông gì đi nữa mà không bán được hàng, cũng như công toi!

Còn người mua hàng, còn insights của họ, thái độ, hành vi và động cơ mua hàng... không chỉ các TVC, Print Ad, Samples... là đủ khả năng tác động. Ta đã tán tỉnh rằng yêu tha thiết, yêu mãi mãi, mà lại không có mặt lúc nhà gái kề dao vào cổ bắt buộc người yêu phải lấy chồng, thì coi như ta mất vợ!

Thế thì, điểm bán hàng ơi, mày ở đâu...?

Khác với cách đây mười năm, điểm bán hàng ở VN ta (đơn cử là HCM)... sang mùa. Đủ thứ:

Thím Sáu đầu ngõ
Chị Tư trong chợ chồm hổm
Dì Bảy dọc con đường hàng ngày em vẫn qua
Em "network" bán hàng tận nhà- Siêu thị nhỏ nhỏ
Siêu thị to to
Siêu thị mà không thích được gọi là Siêu thị, tớ là Cash & Carry, nhá!
Siêu thị của nhãn hiệu (Vmart, G7mart...)
Siêu thị chuyên dụng / hàng đặc thù...
Tóm lại, ông MKT không nhớ được hết, mà ông Sales thì học thuộc lòng bù cả đầu, chạy ngoài nắng đen cả mặt. Thử sản xuất 1 cái POSM đem mà dán, thì vào Siêu thị nó lọt thỏm mất dạng, vào tiệm thím Sáu nó to đùng "Che mẹ cái cửa hàng tao!"

Chưa kể... "Trời, sao cái bao gì mà bự vậy, ở đây toàn dân nghèo, 3 kí lô nó hổng đủ tiền mua đâu con ơi, mày có loại nào bịch nhỏ nhỏ hông?"

Chưa kể... "Hi! No no, this is Cash & Carry, and I would like to offer our shoppers with best buys. Do you have any other pack size? I would like to have some... about 9kg each"

Chưa kể... "Trời ơi cô Hoa rầu mày quá, bên Co...p mày cũng khuyến mãi vầy, bên tao mày cũng khuyến mãi vầy. Cô Hoa muốn cái nào "Chỉ có tại Ci...mart thôi!"

Điểm bùng phát thứ nhất
Tại một cuộc họp Giao ban (tưởng tượng)

"Sh....t! Các ông Marketing làm ăn kiểu này, lấy gì tụi tui bán hàng? Không đảm bảo doanh số quý này đâu à nghen!"

"Ê, sorry bạn nhen. Sếp thấy không, you see? Chúng tôi đã chạy đủ 8 kỳ trên báo, book hết 20 spot trên TV, rồi làm chương trình tại công viên Lê Thị Tám Riêng... còn đòi gì nữa? Cửa hàng là các ông bán hàng, lãnh thổ các ông quản lý, lâu lâu đi ... ngắm cảnh thử coi PG buôn bán ra sao, hàng hoá trưng bày thế nào, các ông đã chửi tưng bừng là đi chọt!"

"Đương nhiên, cửa hàng là của tụi tui, khách hàng là đối tác của tụi tui, ông đi hỏi coi lính tui có đưa đủ hàng khuyến mãi không là sao? Mất mặt tui chớ? Tại.. tụi nó.. chưa đưa kịp chứ bộ? Ông thích hả, mai mốt tui làm POSM đem gắn, tui làm quà khuyến mãi tự chạy cho ông coi. Đưa tiền MKT qua đây!"

Họ lại cãi nhau... Mời chư vị lại cạn tiếp chén trà. Trời, chuyện đang hay mà hết cả thuốc lá, thì gay cho Lệnh Hồ đây chứ...

Vậy tóm lại: Trade marketing là gì? Từ đâu mà có? Tại sao nó lại cần cho doanh nghiệp?

Trade Marketing là làm Marketing cho Trade. Trade Marketing xuất phát từ lý do căn bản nhất, là từ yêu cầu của thị trường, đặc biệt với vai trò to béo của điểm bán hàng và sự phát triển nhanh chóng của chúng.

Vì sao lại cần Trade Marketing ư? Vì không có thì mệt mỏi, như những câu chuyện vừa kể. Tuy nhiên, chúng ta còn phải chờ lâu nữa mới thấy các Công ty kinh doanh theo phương thức B2B đăng tuyển dụng Trade Marketing Manager, hay ... EVN và Petrolimex tuyển dụng Trade Marketing Manager. Thường thấy nhất - công việc này - là tại các doanh nghiệp có định hướng Marketing và Customer-driven, nhất là FMCG.

Theo Brands Việt Nam

Sáng tạo không ở đâu xa mà bắt đầu từ chính nhu cầu thực tế của người nông dân như câu chuyện làm máy nông nghiệp của ông Tư Hùng. Google đang lên kế hoạch để phát triển các mảng sản phẩm mà ít ai ngờ tới, từ robot, ôtô cho đến thiết bị đun nóng trong nhà…

Không lâu sau khi quay trở lại chiếc ghế Tổng Giám đốc (CEO) vào năm 2011, Larry Page tuyên bố ông muốn Google phát triển nhiều dịch vụ hơn để ai cũng sẽ sử dụng ít nhất 2 lần mỗi ngày, giống như sử dụng… bàn chải đánh răng. Động cơ tìm kiếm và hệ điều hành di động Android của Google đã khẳng định tuyên bố của ông.

Tầm nhìn “bàn chải đánh răng”

Giờ đây, với những thương vụ M&A, Google lại lên kế hoạch trở thành một gã khổng lồ trong lĩnh vực phần cứng như đã thành công với lĩnh vực phần mềm. Mục tiêu của công ty là phát triển các sản phẩm kiểu “bàn chải đánh răng” trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ robot, ôtô cho đến thiết bị gia dụng. Động thái táo bạo nhất của Google trong lĩnh vực phần cứng cho đến nay là việc họ ra giá tới 12,5 tỉ USD để mua lại Motorola Mobility, một nhà sản xuất thiết bị di động, vào năm 2011. Trong những tháng gần đây, Google đã thâu tóm các công ty trong lĩnh vực robot, đáng chú ý nhất là Boston Dynamics, chuyên sản xuất robot biết đi biết chạy 2 chân và 4 chân với các tên gọi như BigDog và Cheetah. Các kỹ sư của Google cũng đang rất bận rộn với dự án phát triển xe ô tô không người lái và các thiết bị gọn nhẹ có thể mang trên người như kính thông minh Google Glass. Còn thương vụ mua lại gần đây nhất là hồi giữa tháng 1 vừa rồi, Google cho biết sẽ trả 3,2 tỉ USD bằng tiền mặt để mua lại Nest Labs, một nhà sản xuất bộ điều chỉnh nhiệt và bộ cảm biến dò khói.


Kế hoạch đại kết nối

Tại sao gần đây Google lại có hứng thú mua lại các công ty phần cứng? Không chỉ có vậy, Google – với lượng tiền mặt dồi dào đang nắm giữ lên tới khoảng 57 tỉ USD – còn sẵn sàng trả giá cao để thâu tóm những công ty khác. Trường hợp của Nest Labs là một ví dụ. Nhiều người đã “choáng” khi ngân hàng Mỹ Morgan Stanley cho rằng, mức giá Google bỏ ra để mua lại Nest cao gấp… 10 lần doanh thu hằng năm (ước tính) của doanh nghiệp này. Vì cớ gì Google lại hào phóng mua lại một công ty mới thành lập chuyên sản xuất những thứ nhạt nhẽo như bộ điều chỉnh nhiệt? Tất cả đều có lý do.

Paul Saffo, chuyên gia phân tích tại hãng nghiên cứu Discern Analytics cho rằng, Google rất giỏi kiếm tiền từ khối lượng dữ liệu mà mọi người tạo ra dưới dạng các câu lệnh tìm kiếm, email… khi họ nhập vào máy tính. Google đang thu thập dữ liệu từ điện thoại thông minh và các máy tính bảng nhờ vào sự thành công của hệ điều hành Android và các ứng dụng như Google Maps. Để khối lượng dữ liệu tiếp tục tăng lên, nghĩa là tiền vào túi sẽ nhiều hơn, Google cần có trong tay nhiều thiết bị hơn nhằm thỏa mãn cơn khát dữ liệu của mình. Nhờ được trang bị các cảm biến và phần mềm giúp phát hiện trong nhà đang không có người và tắt hệ thống sưởi, các bộ điều chỉnh nhiệt được kết nối internet của Nest đã tạo ra một lượng lớn dữ liệu mà công ty có thể thu thập được.

Tony Fadell, ông chủ của Nest luôn nói Nest có được vị thế tốt để kiếm ra tiền từ mạng lưới các sản phẩm được kết nối internet – một thế giới mà tất cả các thiết bị đều sử dụng các phần mềm, cảm biến và thiết bị kết nối internet không dây để “giao tiếp” với chủ của chúng cũng như “giao tiếp” với nhau. Các hãng công nghệ lớn khác cũng đang gia nhập cuộc chơi nhằm chiếm lĩnh thị trường thiết bị trong nhà có kết nối internet. Tháng 1 vừa qua, Samsung đã công bố một nền tảng máy tính thông minh kết nối với thiết bị trong nhà, cho phép người sử dụng điều khiển máy giặt, tivi và các thiết bị khác mà hãng sản xuất chỉ bằng một ứng dụng duy nhất. Microsoft, Apple và Amazon cũng có tham vọng trở thành người dẫn đầu thị trường này. Trong khi đó, Google đến nay bị xem là một kẻ tụt hậu. “Tôi không nghĩ Google nhận thấy việc kết nối thiết bị qua internet phát triển nhanh đến thế nào”, Tim Bajarin, Chủ tịch hãng tư vấn Creative Strategies nhận xét.

Nest Labs

Sẵn sàng “chiến đấu”

Có lẽ đó là lý do chính thúc đẩy Google ra sức thâu tóm các doanh nghiệp phần cứng trong thời gian gần đây. Rõ ràng, mua Nest sẽ cho phép Google rút ngắn đáng kể khoảng cách với các đối thủ. Nó cũng mang đến cho Google một số gương mặt tài năng. Tony Fadell là một trong số đó. Ông là người đã chỉ đạo nhóm kỹ sư phát triển ra chiếc iPod khi còn làm tại Apple. Sở trường của ông là thổi sức sống mới vào những sản phẩm nhạt nhẽo và đó chính là điều Google cần. Với kỹ năng và sự chuyên nghiệp, những người này có thể giúp Google quản trị tốt những doanh nghiệp phần cứng khác mà công ty thâu tóm, như Motorola Mobility.

Sắp tới, thách thức đối với Google sẽ là làm sao đảm bảo các bộ phận mới này hòa hợp với môi trường làm việc và văn hóa doanh nghiệp ở một công ty có tới 46.000 nhân viên. Google đã vượt qua thách thức này, bằng chứng là không lâu sau khi quay trở lại giữ chức CEO, Page đã cắt bỏ nhiều dự án khác nhau, thu gọn bộ máy quản lý và ông đã thành công. Sau khi mua lại, Nest sẽ được phép giữ “bản sắc”, các văn phòng của họ và Fadell sẽ báo cáo trực tiếp lên Page. Và để tạo môi trường thuận lợi phát huy tinh thần sáng tạo, Google đã phát triển các dự án phần cứng “trong nhà” như Google Glass, ôtô không người lái… trong phòng thí nghiệm tuyệt mật của mình gọi là Google X. Google cũng sẽ áp dụng điều này với các doanh nghiệp mua lại. Google giao các dự án quan trọng nhất cho những nhà điều hành giỏi và họ được trao toàn quyền để triển khai và giám sát dự án. Chẳng hạn, ông chủ mới của bộ phận robot của Google chính là Andy Rubin, người đã phát triển thành công hệ điều hành di động Android.

Liệu Google có thể xâu chuỗi tất cả các doanh nghiệp mà nó đang phát triển và thâu tóm để trở thành một gã khổng lồ về kỹ thuật có khả năng sinh lợi hơn? Hay họ sẽ rơi vào cảnh “tiền mất tật mang” khi rót hàng tỉ USD vào việc đi săn doanh nghiệp? Câu hỏi n ày chỉ thời gian mới có thể trả lời.

 Nguồn: Doanh Nhân Online

Sẽ không ai biết cách cảm thông và chia sẻ với một người nào khác khi mà họ chưa biết tự ủi an và chăm sóc chính mình.

Chúng ta tự nhủ mình cô đơn, rằng mình cần ai đó bầu bạn, rằng mình cũng muốn được yêu thương và trao đi yêu thương thật nhiều. Nhưng chúng ta quên mất việc đầu tiên và cũng là việc quan trọng nhất. Chúng ta đã tìm được chính mình chưa đã?

Sẽ không ai biết cách yêu thương một người nào khác khi mà họ chưa biết cả cách để yêu thương chính mình. Những người ấy chẳng phải vụng dại, chẳng phải vô tâm vô tình, chỉ là họ chưa học được cách đặt yêu thương đúng chỗ mà thôi. Và vậy đấy, chưa đặt được yêu thương nơi trái tim mình, sao có thể trao gửi yêu thương nơi trái tim người khác?

Sẽ không ai biết cách cảm thông và chia sẻ với một người nào khác khi mà họ chưa biết tự ủi an và chăm sóc chính mình. Đừng vì cuộc đời xô ngang dọc nhiều lớp sóng, tim chùng chình và nhói đau vì vấp ngã, đã vội quay lưng nước mắt ngắn dài, cảm thấy cuộc đời mình đáng chán, mất cả niềm tin vào bản thân. Những người ấy thật tội, và cả thế giới dường như khép chặt cánh cửa với họ. Họ mông lung mong tìm được bàn tay ai đó chìa ra để cho họ nắm lấy, bám víu chút tuyệt vọng cút côi. Nhưng họ cũng cần phải biết, khi vấp ngã, kể cả khi có một ai đó chìa tay ra, thì bàn chân họ cũng cần vững tin bước tiếp.

Hãy đi tìm chính mình trước khi tìm “ai đó”! 1

Có nhiều người vội than thở thở than, trách than số phận hẩm hiu không có ai kiên nhẫn chờ đợi họ, cũng không có ai làm cho họ có cảm giác yên lòng. Họ chạy theo trào lưu, người khác buồn cũng khiến họ buồn, người khác cô đơn cũng khiến họ cảm thấy cô đơn. Họ chỉ vui một niềm vui thoáng chốc, rồi chóng buồn, chóng sợ hãi và tủi thân.

Đừng hỏi tại sao không có một ai đủ can trường và dũng cảm bước vào thế giới sống tẻ nhạt của bạn. Mà nên hỏi tại sao bạn vẫn còn chưa chịu bước ra khỏi cái bóng của mình? Sao bạn còn chưa chán ngấy cuộc sống tẻ nhạt ấy và bắt đầu một hành trình mới: Hành trình đi tìm ấm áp và yêu thương?

Đừng vội vã chạy theo những điều mà bạn cho là thiếu thốn. Phải đặt nền móng bởi những viên gạch đầu tiên, bằng chính đôi tay của bạn, tâm hồn bạn. Bằng yêu thương và dũng cảm, bằng cả sự tự tin và khát vọng sống vun đầy.

Có thể sẽ không sớm không muộn xuất hiện một “ai đó” dành riêng cho bạn. Nhưng bạn có biết không, chỉ khi tìm thấy chính mình, bạn mới có thể tự tin dang rộng vòng tay đón chờ yêu thương từ một “ai đó” khác!

Theo Trí Thức Trẻ

Năm 2014, các doanh nghiệp tiếp tục chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội trong hoạt động kinh doanh. Đây là kênh thông tin để doanh nghiệp giới thiệu về công ty, về sản phẩm và là cách quảng cáo tốt nhất.

Mặc dù công dụng của mạng xã hội đối với doanh nghiệp là điều không thể phủ nhận, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải thận trọng, bởi những thách thức về văn hóa doanh nghiệp, an toàn bảo mật luôn đi song song cùng lợi ích.

Tại hội thảo “Danh tiếng doanh nghiệp trong thời đại số hóa” do Quỹ Đầu tư VietNam Holding Limited vừa được tổ chức tại TP.HCM, đã chia sẽ những kinh nghiệm xử lý khủng hoảng cho các nhà quản trị trong bối cảnh truyền thông xã hội đang bùng nổ.

Ông Lê Phụng Hào, Chủ tịch Hiệp hội Marketing Việt Nam: Doanh nghiệp cần phải hiểu quy luật và có cách xử lý theo luật chơi


Ông Lê Phụng Hào, người chủ trì chương trình Nick Vujicic đến Việt Nam cho rằng: Hiện nay, sức mạnh của truyền thông số cũng như truyền thông mạng xã hội có sự phát triển nhanh và sức lan toản lớn. Dù doanh nghiệp thích hay không thích tham gia vào mạng xã hội thì cũng phải thừa nhận nó đang tồn tại và phát triển nhanh chóng.

Không có bất cứ một công thức nào để xử lý khi gặp sự cố trên truyền thông, vì mỗi giây, mỗi phút được chia sẽ rất nhanh trên các phương tiện truyền thông. Ví dụ như sự kiện Nick Vujicic đến Việt Nam mặc dù đây là sự kiện khá thành công, nhưng cũng gặp không ít thông tin trái chiều, khi cho rằng số tiền mời Nick Vujicic có thể giúp nhiều người nghèo. Rất may, nguồn dư luận ủng hộ đã lấn át nguồn thông tin phê phán, sau khi kết thúc sự kiện.

Như vậy, để có thể xử lý khủng hoảng truyền thông trên mạng xã, các doanh nghiệp cần phải hiểu quy luật và có cách xử lý theo luật chơi. Đồng thời chúng ta cần phải lường được sức mạnh, cũng như sự lan tỏa của những thông tin tiêu cực, để phòng tránh những rắc rối không đáng có.

Theo dõi và chủ động hướng suy nghĩ của mọi người theo hướng tích cực, kịp thời có những biện pháp giải quyết những thông tin sai lệch, thông qua quy luật vận động của mạng xã hội.

Ông Nguyễn Trung Thẳng, Chủ tịch, Tập đoàn Masso: Doanh nghiệp cần bảo vệ danh tiếng bằng cách cấm nhân viên nói xấu ngay cả trên trang cá nhân mạng xã hội


Hiện nay, hình thức digital marketing rất phù hợp với doanh nghiệp Việt do ngân sách hạn chế và có khả năng đo lường cao. Vì thế, hãy tận dụng mạng xã hội cho mối quan hệ với nhà đầu tư. Nhiều nhà đầu tư không cần thăm công ty mà chỉ cần vào website, mạng xã hội, nếu họ cảm thấy tin trưởng, thì họ sẽ đầu tư.

Theo tôi, không có công thức chung vì cùng một vấn đế nhưng bối cảnh của người tiêu dùng khác nhau, hành vi sử dụng khác nhau thì cách xử lý sẽ khác nhau. Vì thế nếu giải quyết tốt khủng hoảng truyền thông, việc này sẽ tác động đến cổ phiếu và ngược lại.

Những hành động nói xấu tương lai doanh nghiệp, nếu đối thủ biết tận dụng mạng xã hội sẽ tạo cho nhà đầu tư sự hoang mang. Vì thế, cần có công cụ giám sát thông tin trên mạng xã hội, để biết được bao nhiêu tin nói tốt về mình? bao nhiêu tin xấu? để có cách xử lý cho phù hợp.

Đồng thời, ông Nguyễn Trung Thẳng cho rằng: Trên mạng xã hội hiện nay không chỉ khách hàng, nhà đầu tư mà còn nhân viên. Đôi khi chính nhân viên là người gây sự cố, hoặc đem tiếng tốt cho công ty. Ví dụ như vụ nhân viên Manulife nói xấu doanh nghiệp ngay trên trang cá nhân, mới bị phát hiện gần đây do Manulife toàn cầu thông báo. Chính vì thế, doanh nghiệp cần bảo vệ danh tiếng bằng cách cấm nhân viên nói xấu ngay cả trên trang cá nhân mạng xã hội.

Theo tôi, khi có khủng hoảng thông tin trên mạng xã hội, đừng quá nôn nóng và run sợ. Doanh nghiệp cần phải bình tĩnh, giám sát từng tình huống, cẩn thận theo dõi và thành lập ban xử lý khủng hoảng. Muốn kiểm soát danh tiếng công ty trên mạng xã hội nên có những chuyên gia am tường.


Ông Nguyễn Trung Thẳng: Yếu tố ngữ cảnh hết sức quan trọng, tùy doanh nghiệp, tùy trình độ nhân viên. Nếu doanh nghiệp cần mạng xã hội để quảng bá thì không có lý do gì để ngăn cấm. Nhân viên có trình độ, họ có ý thức tự giác cao, vì thế không có công thức chung là nên hay không nên, vì nếu cấm nhân viên có thể dùng Smartphone để lên mạng xã hội, thay vì ngăn cấm một việc trở nên phổ biến, thì hãy tìm ra cách thích ứng với nó.

Ông Lê Phụng Hào: Mạng xã hội là xu thế chung, vì thế không thể đứng ngoài, hãy cho mọi người thỏa mãn nhu cầu giao tiếp trong giờ làm việc thông qua mạng xã hội và nên có những định hướng, nếu có cơ chế giám sát việc nói xấu công ty sẽ giúp cho việc quản lý tốt hơn. Doanh nghiệp nên giám sát theo mức độ hoàn thành công việc. Nếu công việc giao vừa sức với nhân viên thì họ không có thời gian vào mạng xã hội quá nhiều.

Nguồn: Doanh Nhân CafeLand

Bên cạnh những mẫu đàn ông khiến chị em phụ nữ “đổ gục” ngay từ lần đầu gặp gỡ thì cũng có không ít kiểu đàn ông khiến phái đẹp khinh thường.

Đàn ông vũ phu, ngược đãi cha mẹ

Đối với loại đàn ông này, không chỉ phụ nữ mà tất cả mọi người đều khinh thường. Với mẫu đàn ông này, phụ nữ đừng bao giờ hi vọng mình sẽ có cuộc sống thoải mái và hạnh phúc. Bởi lẽ, ngay đến cha mẹ người thân sinh ra mình anh ta còn bạc bẽo, bất hiếu, ngược đãi thì chắc chắn bạn sẽ không tránh khỏi rơi vào tình huống bị chà đạp và phải rơi nước mắt.

Đàn ông gia trưởng

Đàn ông Việt từ bao đời nay đa số được nhận định là khá gia trưởng. Với mẫu đàn ông gia trưởng, phụ nữ thường rất sợ lấy làm chồng và thường rất dè chừng. Đây là những người đàn ông thích thống trị xã hội và những người này coi cách sống bề trên, kẻ cả làm tâm niệm sống của mình. Người đàn ông gia trưởng hay làm theo ý mình và ít khi thấu hiểu tâm lý người khác. Mọi việc lớn nhỏ trong gia đình đều nhất nhất nghe theo anh ta, nếu làm trái, hậu quả sẽ khôn lường.

Đàn ông keo kiệt, cố chấp

Đây cũng là kiểu mẫu đàn ông chị em phụ nữ “chạy mất dép”. Đối với mẫu người đàn ông này, bạn đừng hi vọng có thể tự mình tính toán chi tiêu mà anh ta sẽ giúp bạn làm trọn vẹn điều đó. Khi bạn đi mua gì thậm chí anh ta sẽ lên danh sách cho bạn và vạch sẵn mức tiền chi li đến từng đồng.

Đối với mẫu người đàn ông này thì tiền là tất cả, là quyền lực và là vũ khí để anh ta thống trị người mà anh ta sẽ lấy làm vợ.

Đàn ông thích “trăng hoa”

Hầu như tất cả những người đàn ông thuộc mẫu người này đều có ý thức giữ gìn hạnh phúc gia đình, tôn trọng vợ con rất kém. Anh ta bất chấp việc mình đã có vợ hoặc người yêu hay chưa vẫn có thể tán tỉnh và yêu người khác tức thì. Sở thích của anh tà là trêu ghẹo tất cả các cô gái. Anh ta sẵn sàng tán tỉnh, chạy theo các cô gái không hề quen biết hàng giờ liền và nếu bị ngăn cấm anh ta sẽ đáp trả bằng hành động tiêu cực.



Mẫu đàn ông sĩ diện, khoe khoang

Mẫu người đàn ông này thường lấy “sĩ diện” làm kim chỉ nam để sống, anh ta rất thích thể hiện sự giàu có, khoe khoang sự hào phóng của bản thân. Tiêu tiền một cách vô tổ chức và có thể dốc toàn bộ tài sản để chứng minh rằng mình luôn vì bạn bè.

Với người dưng thì anh ta thường tỏ ra sốt sắng, quan tâm nhưng đến khi gia đình của chính mình lâm vào tình huống khó khăn, anh ta thường coi như mình là người ngoài cuộc, không bận tâm.

Mẫu người đàn ông này có tiền tuy nhiên anh ta sẽ sống với một tinh thần tự cao, tự đại, mình là trên hết và như vậy đối với người yêu, hay người bạn đời thì anh chàng này cũng coi không ra gì.

Phụ thuộc quá nhiều vào gia đình

Biểu hiện của những người đàn ông kiểu này là gặp phải bất cứ tình huống hay chuyện gì thì việc đầu tiên đó là chạy về hỏi ý kiến của bố mẹ. Thậm chí, ngay cả những chuyện nhỏ nhặt mà bản thân hoàn toàn có thể giải quyết, kiểu người đàn ông này cũng nhất định phải nói với bố mẹ.

Mẫu đàn ông luôn miệng than thở, phàn nàn

Thông thường ngay cả với những người phụ nữ thì việc luôn miệng than thở còn khiến những người xung quanh khó chịu, mệt mỏi huống hồ đó lại là những người đàn ông.

Với mẫu đàn ông luôn ca thán thì cho dù việc bạn cố gắng làm việc gì đạt đến mức độ hoàn hảo, không thể chê vào đâu thì anh chàng này vẫn tìm ra được những điểm có thể phê bình bạn. Với những anh chàng này, không có gì có thể tuyệt đối cho nên anh ta sẽ sẵn sàng công kích, chê bai thậm chí mang những điều đó đi “buôn” với người khác.




Mẫu người có mới nới cũ

Anh ta chỉ thích quanh quẩn với những trò chơi vui nhộn. Khi niềm vui đó qua đi, anh ta thích thử những chuyến phiêu lưu và niềm vui mới. Anh ta không muốn ràng buộc bản thân vì những kế hoạch tương lai hay những đứa trẻ, hay cuộc sống gia đình, thậm chí anh ta không để tâm nghe tâm sự của bạn.

Thực ra tuýp đàn ông này chỉ muốn nói hoặc tham gia vào những cuộc vui và tình dục mà thôi. Cho đến khi bạn bàn về chuyện cưới hỏi, sắc mặt anh ta sẽ thay đổi, cuộc vui sẽ kết thúc ngay.

Mẫu đàn ông ham giàu

Luôn miệng nói là yêu bạn, nhưng khi gặp một cô nàng giàu có hơn mẫu đàn ông này sẵn sàng từ bỏ bạn để chạy theo tiếng gọi của vật chất. Tuy nhiên, với những người đàn ông này từ bỏ sớm là một điều may mắn cho bạn.


Sưu Tầm

Khoảng 1 năm trở lại đây, dạo qua các trang Blog, diễn đàn, các trang tin chuyên môn về Marketing hàng ngày chúng ta đều dễ bắt gặp rất nhiều tiêu đề liên quan đến Content Marketing (CM). Đám đông bắt đầu nói nhiều về CM khi  Social Media Marketing (SMM)– một khái niệm chưa cũ và cũng chưa hẳn được  hiểu đúng – vẫn còn khá “nóng”. Đây cũng chính là thời điểm mà những nhầm lẫn (mis-conception) về 2 khái niệm này xuất hiện.



Tuần trước, một bạn trẻ làm việc trong lĩnh vực Marketing Communication đã thắc mắc trên Facebook group Digital Marketing in Vietnam, câu hỏi đó như sau:


Không chỉ riêng bạn mà cả các Marketers làm việc trong Brands lớn hay trong Agency cũng không ít người  nhầm lẫn 2 khái niệm này với nhau.

Vậy,  làm sao để phân biệt được SMM và CM một cách đơn giản nhất?

Đầu tiên cần phải hiểu đúng về khái niệm

Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy các định nghĩa về Content Marketing (sử dụng nội dung để tiếp thị) và Social Media Marketing (sử dụng kênh social media để tiếp thị) cho phép phân biệt được bản chất của 2 hoạt động này:

Định nghĩa Social media Marketing theo Mashable

“Social media marketing refers to the process of gaining website traffic or attention through social media sites. Social media marketing programs usually center on efforts to create content that attracts attention and encourages readers to share it with their social networks.”

Wikipedia định nghĩa về Content Marketing

“Content marketing is any marketing format that involves the creation and sharing of media and publishing content in order to acquire customers. This information can be presented in a variety of formats, including news, video, white papers, e-books, infographics, case studies, how-to guides, question and answer articles, photos, etc.”

Từ 2 định nghĩa rõ ràng và đơn giản ở trên, ta có thể phân tích sâu hơn về mục tiêu, định dạng nội dung và bản chất của SMM cũng như CM:

Mục tiêu cuối

1. Social Media Marketing là phương pháp tiếp thị được sử dụng khi Brands có nhu cầu xây dựng hoặc gia tăng nhận diện thương hiệu trên môi trường social networks mà khách hàng  đang giao tiếp với nhau bằng cách nói chuyện với họ. Ngoài ra, một số mục tiêu khác cũng liên quan chủ yếu đến brand’s reputation (danh tiếng thương hiệu) và consumer retention (giữ chân khách hàng) như:  nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng bằng cách phản hồi, tư vấn, hỗ trợ khách hàng ngay trên social networks;  tăng mức độ và số lượng khách hàng trung thành nhờ tương tác thông tin thường xuyên với họ… Như vậy, Brand dùng SMM để nói chuyện với người tiêu dùng, lắng nghe, thấu hiểu các phản ứng của họ về mình để thay đổi theo hướng tốt hơn, đồng thời làm cho khách hàng hài lòng hơn, yêu mến thương hiệu nhiều hơn. Bản chất của quá trình này là việc  trao đổi nội dung giữa brand và khách hàng, trong đó brand chủ động tìm đến hoặc tạo ra cuộc đối thoại một cách có mục đích chứ không phải là người quyết định nội dung cho cuộc hội thoại đó.

2. Content Marketing đối với brands chính là “brand story telling”. Mục tiêu của một Brand khi sử dụng CM là để thu hút khách hàng và khách hàng mục tiêu về phía mình bằng việc sản xuất ra những nội dung có giá trị đối với họ. Nội dung (brand story) này  phải đáp ứng được những gì khách hàng cần, muốn và cao hơn là có thể tạo ra được giá trị gia tăng (added value) cho họ. Nội dung đó có thể là lời giải cho vấn đề khách hàng đang đi tìm cách giải quyết, là hình ảnh đẹp đúng với sở thích của cá nhân khách hàng, ví dụ: một mẹo vặt giúp tẩy trắng quần áo mà không cần bột giặt… Brand hoàn toàn chủ động với những nội dung này.

Định dạng nội dung (format of content)

1. Khi làm SMM thì nội dung chỉ là yếu tố thứ yếu được quyết định bởi: (1) tính năng của nền tảng/kênh được chọn sử dụng trong chiến lược/chiến dịch (ví dụ: bạn sử dụng Facebook, Twiter, Youtube, Tumblr… hay tất cả) và (2) hành vi trên Mạng xã hội (social behaviors) của khách hàng.

2. Đối với một chiến lược CM thì  nội dung lại là yếu tố tiên quyết. Brandstory và chiến lược dài hạn của brand sẽ quyết định nội dung mà brand đưa đến cho đối tượng mục tiêu. Theo đó, chính nội dung này sẽ quyết định hình thức thể hiện và cả việc lựa chọn hay kết hợp những nền tảng nào để truyền tải nội dung đó.

Tóm lại, để phân biệt được SMM và CM,  chỉ cần hiểu nguyên nhân và vấn đề cần giải quyết  của Brand khi chọn thực hiện SMM và CM, cụ thể:

Social Media Marketing

Người tiêu dùng dịch chuyển môi trường tiếp nhận thông tin, tương tác lên Social Networks, tạo ra kênh Social Media. Trên social media, khách hàng nhắc đến, đánh giá và chia sẻ thông tin về Brands xoay quanh các cuộc đối thoại của mình. Do đó, Brands thực hiện chiến lược/chiến dịch SMM nhằm tham gia vào những cuộc hội thoại này và cao hơn là làm chủ, điều hướng được các cuộc đối thoại đó để đạt được mục tiêu là gia tăng, duy trì uy tín thương hiệu. Do đó, yếu tố nội dung trong SMM là nội dung được tạo ra để kích thích thảo luận hai chiều với khách hàng bằng nội dung có tính định hướng của Brand với tone of voice của đối tượng mục tiêu

Content Marketing

Khi có tầm nhìn về một chiến lược Content Marketing có giá trị lâu dài và lý tưởng nhất là có brand story, Brands sẽ sử dụng Content MKT trong hoạt động Marketing tổng thể của mình. Khi đó, Brand trở thành một Content publisher. Dựa trên nghiên cứu về khách hàng, Brand sản xuất ra những nội dung vừa tạo ra được giá trị cảm tính cho mình và vừa mang lại giá trị gia tăng cho khách hàng một cách đồng nhất với “sợi dây” Brandstory. Chiến lược Content Marketing thường sử dụng các kênh owned và earned media (Social media, website, letter, email, eBook, white paper…). Trong đó Social media chỉ đóng vai trò là một kênh vừa là owned, vừa là earned media mà thôi. Chiến lược Content Marketing cũng sẽ quyết định hình thức thể hiện các nội dung của Brand story và theo đó những người làm kế hoạch sẽ lựa chọn các nền tảng hoặc kênh phù hợp để thực hiện.

Sau cùng, việc hiểu đúng và phân biệt được các khái niệm Marketing sẽ giúp bạn đưa ra được chiến lược cũng như các chiến thuật triển khai kế hoạch Marketing của mình hiệu quả hơn. Tuy nhiên, thấu hiểu giá trị cốt lõi của Brand (sản phẩm/dịch vụ) và người tiêu dùng một cách sâu sắc mới là yếu tố quan trọng nhất trước khi bắt tay vào triển khai bất cứ hoạt động Marketing nào; vì suy đến cùng, mục tiêu của Marketing chính là chinh phục khách hàng.

Trên đây là những phân tích dựa trên kinh nghiệm và quan điểm mang tính cá nhân và có thể còn chưa chỉ ra được đầy đủ các điểm khác nhau giữa hai hình thức tiếp thị này. Xin hoan nghênh bất kỳ ý kiến đóng góp, mở rộng nào để giúp phân biệt hai khái niệm này một cách chính xác và đầy đủ hơn cũng như  tạo ra cơ hội trao đổi chuyên môn bổ ích cho những người làm nghề qua các comments bên dưới bài viết này.

Theo Brands Việt Nam

Marketing

[Marketing][fbig1]

Khám Phá

[kham-pha][fbig2]

Mẹo Vặt

[Meo-vat][column2]

Công Nghệ

[Tech][hot]

Người đẹp và công nghệ

[Nguoi-dep-va-cong-nghe][gallery1]

Video

[video-quang-cao][video]

Author Name

{picture#YOUR_PROFILE_PICTURE_URL} YOUR_PROFILE_DESCRIPTION {facebook#YOUR_SOCIAL_PROFILE_URL} {twitter#YOUR_SOCIAL_PROFILE_URL} {google#YOUR_SOCIAL_PROFILE_URL} {pinterest#YOUR_SOCIAL_PROFILE_URL} {youtube#YOUR_SOCIAL_PROFILE_URL} {instagram#YOUR_SOCIAL_PROFILE_URL}

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

SEO Document. Được tạo bởi Blogger.