2013 là một năm đặc biệt quan trọng của các mạng xã hội trong cả lĩnh vực đời sống lẫn thương mại... Theo hãng tin Bloomberg, 2013 là một năm đáng chú ý của lĩnh vực truyền thông xã hội. Mọi người trên thế giới có thể cảm nhận được vai trò ngày càng quan trọng của các mạng xã hội đối với đời sống hàng ngày.
Trong năm nay, mạng xã hội tiểu blog Twitter đã thành công trong việc chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng, trong khi cổ phiếu Facebook cũng kịp trở lại sau một năm vật lộn với đầy khó khăn. Năm 2013 cũng chứng kiến sự ra mắt của công cụ chia sẻ video Vine của Twitter, sự tăng trưởng mạnh mẽ của dịch vụ Snapchat...
Tại Trung Quốc, nơi có số người dùng Internet lớn nhất thế giới, mạng thương mại trực tuyến khổng lồ đã mua cổ phần trị giá 586 triệu USD của Weibo, mạng xã hội tiểu blog hàng đầu Trung Quốc và là đối thủ chính của công cụ nhắn tin WeChat. Còn tại Ukraine, các nhà mạng di động dự đoán sắp có sự bùng nổ về truyền tải dữ liệu.
Tất cả những vấn đề trên đã cho thấy 2013 là một năm đặc biệt quan trọng của các mạng xã hội trong cả lĩnh vực đời sống lẫn thương mại. Từ những sự kiện quan trọng, hãng tin Bloomberg đã rút ra được 5 bài học lớn nhất về mạng xã hội năm nay.
1. Mạng xã hội có thể làm cả thị trường "rúng động"
Ngày 23.4.2013, tài khoản Twitter của hãng tin AP bị tin tặc tấn công. Tin tặc đã dùng tài khoản này để truyền đi một tin nhắn với nội dung "có hai vụ nổ ở Nhà Trắng và Tổng thống Obama đã bị thương". Chỉ trong vài giây ngắn ngủi, chỉ số công nghiệp Dow Jones rớt 150 điểm.
Đến tháng 6, nhà đầu tư Carl Icahn gia nhập mạng xã hội Twitter, ban đầu định dùng tài khoản này để "bắc loa" kể về cuộc chiến của ông tại hãng máy tính Dell. Tuy nhiên, sau đó Icahn dùng tài khoản Twitter để nói về số cổ phần của ông tại các công ty khác, bao gồm cổ phần trong Apple, hãng sản xuất điện thoại iPhone.
Ngày 13.8, Icahn tiết lộ rằng ông đã đầu tư mạnh tay vào Apple. Trong dòng thông báo trên Twitter, ông nói, "chúng tôi hiện đang có một phần lớn trong Apple. Chúng tôi tin rằng, hãng công nghệ này hiện đang bị định giá quá thấp. Đã nói chuyện với Tim Cook ngày hôm nay. Nhiều thông tin khác sẽ được tiết lộ trong thời gian tới".
Ngay sau dòng tweet của nhà đầu tư Carl Icahn, giá cổ phiếu của Apple đã tăng 4,75% lên mức 503,25 USD/cổ phiếu. Rõ ràng một tin nhắn ngắn trên Twitter từ tài khoản của một trong những nhà đầu tư hàng đầu đã có tác động lớn và mạnh mẽ đối với giá trị cổ phiếu cũng như giá trị vốn hóa của cả một công ty lớn như Apple.
2. Mạng xã hội ngày càng "nhìn, nghe thấy được"
Đầu năm nay, mạng xã hội Twitter đã giới thiệu Vine, dịch vụ cho phép chia sẻ những đoạn video ngắn 6 giây. Tới tháng 8, Vine đã có hơn 40 triệu người đăng ký sử dụng.
Trong khi đó, hồi tháng 6, Facebook đã bổ sung tính năng quay và chia sẻ video cho ứng dụng Instagram. Nếu như trước đây người tiêu dùng chỉ có thể chụp hình và thêm hiệu ứng vào ảnh của mình bằng Instagram, thì bây giờ họ đã có thể làm điều tương tự với video.
Dịch vụ Snapchat cũng đã cho phép người dùng chia sẻ ảnh và video. Điều đáng chú ý ở dịch vụ này là hình ảnh hay video chia sẻ sẽ biến mất sau khi người nhận xem nó trong khoảng thời gian tối đa 10 giây, hoặc được lưu trữ trong 24 giờ nếu dùng tính năng mới Snapchat Stories. Người dùng có thể hiệu chỉnh một số hiệu ứng cho ảnh hay video trước khi gửi đến người nhận.
Giới phân tích đánh giá rất cao tiềm năng phát triển của Snapchat, so với các dịch vụ khác như Instagram và YouTube, cho rằng Snapchat là một xu hướng truyền thông xã hội hoàn toàn mới đang dần phổ biến, người dùng chỉ muốn đảm bảo những nội dung của mình được chia sẻ giữa họ và bạn bè, hoặc chỉ trong thời gian ngắn.
3. Mạng xã hội không chỉ dành cho giới trẻ
Nhiều hãng nghiên cứu truyền thông xã hội đã phát hiện thấy, ngày càng nhiều người lớn tham gia mạng xã hội. Và điều này từng được xem là một nguyên nhân khiến giới trẻ đang thờ ơ với mạng xã hội. Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, việc các nhà đầu tư lớn tham gia vào những mạng xã hội lại khiến cho truyền thông xã hội trở nên hấp dẫn hơn.
Năm 2013 chứng kiến nhiều lãnh đạo thế giới tham gia mạng xã hội, từ tỷ phú Warren Buffett tham gia Twitter cho tới Jamie Dimon gia nhập chương trình LinkedIn Influencer. Từ những tài khoản này, các nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm có thể gặt hái không ít những thông tin có giá trị.
4. Quảng cáo trên mạng xã hội đang tăng trưởng
Không thể phủ nhận vai trò lan truyền tin tức của các mạng xã hội. Người ta có thể truyền tải một tin nhắn tới bạn bè khắp nơi trên thế giới trong một khoảng thời gian ngắn, chẳng hạn kết quả một trận đấu bóng. Tốc độ lan tỏa chóng mặt của tin tức trong giai đoạn truyền thông xã hội là một trong những yếu tố hấp dẫn các hãng kinh doanh tăng lượng quảng cáo.
2013 là năm mà lượng tiền đổ vào lĩnh vực quảng cáo mạng xã hội tăng vọt. Trong quý 3 vừa qua, mạng xã hội đông thành viên nhất thế giới Facebook đã công bố lợi nhuận tăng 60% so với cùng kỳ năm trước, trong đó phần lớn là từ hoạt động quảng cáo di động. Facebook cũng đang tìm cách kiếm tiền từ Instagram. Mới đây, Instagram tuyên bố sẽ đưa quảng cáo đến một số người dùng tại Mỹ lên trong vài tháng tới.
"Họ đang đẩy lùi những lời chỉ trích về nguyên nhân cổ phiếu giảm giá năm ngoái. Facebook đang chứng minh họ có thể đưa quảng cáo đến bất cứ người dùng nào", nhà phân tích Michael Pachter tại Wedbush Securities cho biết. Theo hãng nghiên cứu eMarketer, quy mô thị trường quảng cáo trên di động sẽ tăng 89% lên 16,7 tỷ USD toàn cầu năm 2013. Google sẽ có khoảng một nửa số này, còn Facebook chiếm 15,8%.
5. Mạng xã hội có thể là đối thủ dữ dằn nhất của TV
Tháng 10 vừa qua, hãng Nielsen Ratings đã công bố báo cáo phân tích cho thấy, 19 triệu người ở Mỹ đã soạn 263 triệu tin nhắn tweet về dịch vụ truyền hình trực tuyến Live TV trong quý 2 năm nay. Mặc dù truyền hình trực tuyến hiện vẫn đang trong giai đoạn trứng nước, nhưng rõ ràng sự lấn sân của nó đang trở thành một áp lực lớn đối với tivi truyền thống.
Nguồn: Chiến lược Marketing