Theo tài liệu cổ, yến sào là tên một loại thực phẩm - dược phẩm nổi tiếng được làm bằng tổ chim yến, có vị ngọt, tính bình, bổ phế, vị, tăng cường sức khỏe, tỉnh táo tinh thần, tăng cường trí nhớ, thường được dùng trong những tiệc lớn của vua chúa. Ở Việt Nam, yến sào được xếp vào hàng Bát Trân (tám món ăn cao lương mĩ vị).
Lương y Vũ Quốc Trung cho biết, yến được dùng làm thức ăn bổ dưỡng cho các trường hợp cơ thể suy nhược, mệt mỏi, biếng ăn, khí huyết yếu kém. Ngoài ra, yến còn giúp tăng thêm sức đề kháng và miễn dịch cho cơ thể, bảo vệ và làm đẹp da. Với thành phần nhiều axit amin, protein và khoáng chất, yến rất tốt cho bà bầu. Ăn yến giúp mẹ bầu bù đắp lượng dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể bị thiếu sau thời gian thai nghén, mệt mỏi không thể ăn uống đầy đủ. Ngoài tăng cường sức khỏe cho mẹ, yến còn giúp bảo vệ thai kỳ an toàn và thúc đẩy sự phát triển của thai nhi.
Theo lương y Trung, khi mang thai, cơ địa bà bầu thay đổi khá thất thường nên nếu đang trong thời kỳ nghén thì không nên dùng yến sào để tránh tác dụng phụ. Sau thời kỳ thai nghén, bà bầu nên bổ sung yến sào. Không nên sử dụng yến quá 3 g một ngày, ăn 3 lần một tuần.
Yến sào có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, song cách đơn giản và hiệu quả nhất là chưng cách thủy với đường phèn. Ngâm yến trong nước sạch khoảng 3 giờ để có thể nhắt ra được lông chim và các tạp chất. Sau khi ngâm, kích thước yến sẽ lớn hơn rất nhiều so với trước khi ngâm. Vớt yến đã làm sạch ra khỏi nước để một lúc cho ráo, sau đó chưng cách thủy trong khoảng 10-15 phút. Thời điểm ăn yến tốt nhất là vào buổi tối để cơ thể hấp thu các chất dinh dưỡng.
Một số người cho rằng tổ yến có tính mát, nếu mẹ bầu dùng trong thai kỳ có thể khiến trẻ bị hen suyễn sau khi sinh hay thậm chí làm tăng khả năng bị dị ứng ở trẻ về sau. Song, lương y Trung phủ nhận quan điểm này. Ông cho rằng chưa có tài liệu cũng như cơ sở khoa học nào khẳng định về quan niệm trên, do vậy bà bầu nên an tâm khi dùng yến bồi bổ sức khỏe.
Theo VNE