Những ngày đầu tiên khi chưa liền, rốn là một điểm quan trọng nhưng rất yếu ớtdễbị nhiễm trùng tại chỗ và từ ổ nhiễm trùng này vi trùng có thể vào máu gây nhiễm trùng máu, thậm chí gây tử vong cho trẻ sơ sinh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Việc chăm sóc rốn hằng ngày rất quan trọng, vì vậy, các bậc làm cha mẹ cần chú ý cách chăm sóc rốn cho bé sơ sinh dưới đây:
Trước và sau khi chăm sóc rốn cho bé, ba mẹ cần phải rửa tay bằng nước sạch và xà bông kỹ. Nên chăm sóc rốn cho trẻ ngay sau khi tắm cho bé sẽ tiện hơn, sau khi tắm bé xong; lau khô người cho bé kèm theo dùng bông đã được tiệt khuẩn thấm kỹ, nhẹ tay vùng rốn cho trẻ. Không nhất thiết phải tắm trẻ mỗi ngày, khi rốn chưa rụng chần chú ý không được làm ướt vùng này.
Để chăm sóc rốn, các bà mẹ cần chuẩn bị que gòn vô trùng, chai cồn 70 độ và gạc vô trùng. Sau đó, tháo băng rốn của trẻ ra. Quan sát rốn và vùng da quanh xem có dấu hiệu gì bất thường hay không. Tiếp đó, dùng que gòn tẩm cồn sát trùng rốn theo trình tự từ chân rốn, thân cuống rốn, mặt cắt cuống rốn và cuối cùng là da vùng xung quanh rốn từ trong ra ngoài, rộng khoảng 5 cm.
Không nên dùng gạc thường hoặc tã để băng rốn cho trẻ vì việc băng rốn nếu không được dùng bằng các sản phẩm đã được tiệt khuẩn thì sẽ tạo điều kiện làm ổ chứa vi khuẩn và ngăn cản sự lành rốn do rốn lâu khô, nhất là trong thời tiết nóng ẩm. Không nên buốc quá chặt khiến máu không lưu thông được.
Bình thường rốn sẽ rụng trong vòng từ 7 đến 10 ngày sau sinh và sau 15 ngày thì cuống rốn liền hoàn toàn. Tuy nhiên, không có cách nào để dự đoán chính xác thời điểm rụng rốn. Vì thế, giật núm rốn sớm trong khi dây rốn chưa đủ thời gian có thể gây đau, chảy máu và nhiễm trùng cho trẻ.
Tuyệt đối không được tự ý đắp các chất lạ lên rốn trẻ sơ sinh theo kinh nghiệm thiếu khoa học từ dân gian, điều này sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng rốn, khó điều trị và để lại di chứng về sau.
Nguồn: Phụ nữ và cuộc sống