Có lẽ chồng bạn làm kỹ sư, bác sĩ nên lương anh ấy cao và bạn làm trong nhà nước nên lẹt đẹt. Hoặc ngược lại, bạn làm tư nhân, kinh doanh nên lương cao hơn chồng ngồi bàn giấy. Đây là thực tế cuộc sống. Tuy nhiên không phải cặp vợ chồng nào cũng biết để tránh những xung đột trong bất bình đẳng về thu nhập.
Vì chuyện tiền nong mà có thể mối quan hệ vợ chồng bạn sẽ có nhiều căng thẳng, xung đột. Tờ The New Savvy liệt kê các vấn đề hay gặp khi vợ chồng có sự chênh lệch lớn về thu nhập:
1. Người thu nhập cao hơn nắm ưu thế trong gia đình
Nhiều cặp vợ chồng mắc phải sai lầm khi nghĩ rằng bất cứ ai làm ra nhiều tiền hơn thì có quyền quyết định. Người có thu nhập cao hơn sẽ nghĩ mình thích làm gì thì làm, tự tin, nắm ưu thế, thậm chí thiếu tôn trọng người bạn đời của mình. Trong khi người có thu nhập thấp cảm thấy bị yếu thế và bất mãn khi lời nói, hành động không có trọng lượng.
Hãy dành thời gian để phân tích thu nhập của bạn đã tác động đến suy nghĩ của bạn như thế nào? Một khi nhận ra vấn đề, hãy cùng bàn luận với bạn đời một cách công bằng, trung thực.
2. Người có thu nhập cao phải cáng đáng mọi chi tiêu
Khi có sự khác biệt lớn trong tiền lương, người có thu nhập cao hơn có thể buộc phải mang gánh nặng chi trả cho tất cả các chi tiêu trong gia đình. Người có thu nhập thấp đôi khi nghĩ rằng mình không phải chịu trách nhiệm vì người kia đã làm ra nhiều tiền.
Nếu điều này tiếp tục, người có thu nhập cao hơn có thể cảm thấy bực bội về việc phải lao động vất vả và người có thu nhập thấp có thể cảm thấy vô dụng và thậm chí có suy nghĩ dựa dẫm.
Để ngăn chặn những bất mãn từ từ thấm vào cuộc sống vợ chồng, các bạn cần nói chuyện với nhau. Người có thu nhập thấp hơn cần phải ý thức được tránh nhiệm của mình với gia đình. Anh/cô ấy nên năng động hơn. Có thể đặt ra một khoản phải chi trong gia đình để cho người thu nhập thấp hơn quản lý và có động lực phấn đấu.
Ảnh: Pixabay.
3. Người thu nhập thấp trả cho các khoản chi không quan trọng
Những người có thu nhập thấp có thể cảm thấy thu nhập của mình không đáng kể và xấu hổ vì sự đóng góp tài chính tối thiểu của mình. Cảm giác không hài lòng này có thể phóng đại hơn nữa nếu tiền lương chỉ đủ để đi chợ, mua bỉm sữa cho con hoặc thập chí chỉ đóng được các hóa đơn điện, nước của gia đình hàng tháng.
Bạn hãy cố gắng hướng đến các mục tiêu lớn, ví như đầu tư cho giáo dục con cái, một khoản tiết kiệm, hoặc góp sức cùng vợ/chồng mình cho những thứ lớn hơn như mua xe, đất, mua nhà...
Hai vợ chồng cũng cần nói chuyện với nhau. Nếu vợ/chồng cảm thấy tự ti về mức lương của mình, hãy động viên họ, bởi không nhất thiết mọi chi tiêu trong gia đình cứ phải cưa đôi 50/50, do tính chất công việc và mức lương của các bạn là khác nhau. Thêm vào đó người có thu nhập thấp có thể cố gắng hơn bằng cách bù đắp theo những cách khác ví như lo việc nhà, chăm con, lên các kế hoạch cho gia đình.
4. Người có thu nhập cao xao nhãng nhiệm vụ chăm sóc gia đình
Trong khi người thu thấp hơn luôn muốn cố gắng để bù đắp sự thua kém tài chính bằng cách chăm sóc gia đình, thì đa số người thu nhập cao lại bỏ bê nhiệm vụ chăm lo cho con cái, việc nhà.
Nếu chồng bạn trốn tránh trách nhiệm, cần nhẹ nhàng nhắc nhở, khuyến khích anh ấy làm ở một mức độ nào đó, ví như rửa bát, lau nhà, chơi cùng con, dạy con học... Tương tự như vậy, nếu bạn là người có thu nhập cao hơn, cố gắng không dành toàn bộ thời gian cho công việc. Bạn sẽ thấy chơi cùng con, giúp đỡ vợ việc nhà cũng có giá trị của nó.
Theo VNE