12 thói quen khiến bạn không hạnh phúc (và cách phòng tránh chúng)
1. Liên tục phàn nàn
Người hạnh phúc và thành công thường không phàn nàn nhiều. Nhưng trái lại, những người suốt ngày phàn nàn thì lại luôn nói ra điều tiêu cực… ngay cả khi những người xung quanh họ đang vui vẻ! Trong đời, ai cũng gặp những tình huống bất lợi không như ý muốn, nhưng cuối cùng, dù có thế nào, đó đều là chuyện của ta. Vì thế, hãy tìm hướng giải quyết vấn đề chứ đừng phàn nàn, vì phàn nàn chẳng đưa bạn đến đâu cả.
2. Chỉ trích bản thân và mọi người
Cách ta nói chuyện với bản thân định hình hình ảnh của chúng ta, bất kể tốt xấu. Coi trọng bản thân là điều thiết yếu làm nên hạnh phúc, và cảm thấy tốt về mình là quyền mà tất cả chúng ta đều có. Khi lỗi lầm xảy ra, hãy chấp nhận và tiếp tục tiến bước chứ đừng đổ lỗi cho mình. Không chỉ vậy, hãy tôn trọng sự khác biệt vốn có của người khác và công nhận rằng họ có quyền được sống vui vẻ, không phải nhận bất kỳ lời chỉ trích quá đáng nào.
Hạnh phúc là điều mà ai cũng mong có được. Kỳ thực, để hạnh phúc không có gì là khó, quan trọng là lựa chọn của bạn thôi. |
3. Quá coi trọng vật chất
Sống trong xã hội vật chất, ta thường xuyên bị “dội bom” bởi những quảng cáo về xe cộ, thiết bị hay thẻ tín dụng đời mới nhất; tất cả đều hứa hẹn một cuộc sống dễ dàng, trọn vẹn hơn. Thế nhưng, đừng vội tin vào chúng. Đúng là mua sản phẩm mới có thể khiến tâm trạng phấn chấn ngay, nhưng điều đó không kéo dài lâu. Bạn đã bao giờ nghe tới thuật ngữ “buyer’s remorse” (nỗi hối hận khi mua sắm) chưa? Thuật ngữ này tồn tại là có lý do cả. Thay vì mua sắm, hãy làm gì đó khác như đọc sách, tập thể dục hay ngắm cảnh - những thói quen giúp bạn hài lòng mà không dẫn đến cảnh nợ nần.
4. Rơi vào nghiện ngập
Phần lớn mọi thứ đều thứ đều tốt khi biết điều độ - như ăn uống, giải trí,… Nhưng khi chúng trở thành trọng tâm trong cuộc đời ta, vấn đề bắt đầu nảy sinh. Thực tế, lối sống nghiện ngập - như phụ thuộc vào rượu và ma túy - đã cướp đi mạng sống của nhiều người. Có cách nào để ngăn ngừa và khắc phục những thói quen này? Hãy tìm ra đam mê của mình và theo đuổi, mở rộng đam mê cho đến chừng nào có thể (xem thêm Mục 8).
5. Nuối tiếc quá khứ
Nuối tiếc không chỉ vô dụng mà còn cực kỳ có hại. Các nghiên cứu không ngừng chỉ ra rằng những suy nghĩ tiêu cực lặp đi lặp lại về các quyết định trong quá khứ thường dẫn tới căng thẳng và trầm cảm mãn tính. Theo Psychology Today, có 4 cách để đương đầu với sự hối tiếc: (1) học từ những lỗi lầm chứ đừng day đi day lại, (2) nếu không thể thay đổi tình hình, hãy buông xuôi, (3) đừng đổ lỗi quá nhiều, (4) định hình lại mọi chuyện theo cách tích cực hơn.
6. Lo lắng về tương lai
Tương lai thế nào, không ai biết. Điều chúng ta có thể làm là sống trong hiện tại và thể hiện hết những khả năng của mình để có thể sống cuộc đời hạnh phúc hơn. Khi khó khăn xảy ra, hãy đối mặt, chuyện gì đến sẽ đến. Hãy tận hưởng những điều tốt đẹp và trải nghiệm chúng một cách trọn vẹn… trong phút giây hiện tại.
7. Để nỗi sợ hãi lấn át
Sợ hãi có thể khiến ta bất hạnh. Đừng sợ hãi trước những điều bất định hay không thể tránh được. Nỗi sợ là quá trình suy nghĩ tiêu cực thường diễn ra tự động. Cần nhớ rằng: Ta không phải những suy nghĩ tiêu cực kia. Những nỗi sợ hãi, bất an, lo lắng hay bất kỳ suy nghĩ tiêu cực nào cũng đều không làm nên con người ta.
8. Trì hoãn ước mơ
Lộ trình của ta có thể lặp đi lặp lại: cứ làm việc, ăn rồi ngủ, thậm chí có thể chơi bời hay thư giãn 1-2 ngày. Thế nhưng, nếu không hướng tài năng và đam mê đến một mục tiêu tích cực và hữu hình, khả năng cao là ta sẽ để vuột mất điều tốt đẹp trước khi nó thành hình. Phần khó khăn nhất của theo đuổi ước mơ là thực hiện những bước đầu tiên. Chỉ khi xây dựng kế hoạch để tiến hành những bước ấy xong xuôi, ta mới có thể nhìn ra khả năng phía trước.
9. Ngồi lê đôi mách
Không gì gây ra nhiều đau khổ và bất an hơn là nói xấu người khác. Nghĩ mà xem, tại sao một người hạnh phúc, tự tin lại làm điều chẳng chút lợi ích nào như thế? Đúng rồi, họ không như vậy đâu. Chỉ đám trẻ con trong giờ giải lao mới hay tám nhảm, chứ người lớn đang nỗ lực để khiến cuộc đời mình (và những người khác) tốt đẹp hơn ai lại buôn chuyện bao giờ.
10. Ôm mối hận thù
Cũng như những cảm xúc tiêu cực, ta không cần phải vác mối hận thù nặng trĩu lên vai. Khi chứng kiến những hành động xấu xa của người khác, tất cả chúng ta đều có thể nổi giận (đôi khi là chính đáng). Nhưng hãy nhớ rằng: điều quan trọng là hạnh phúc của ta, chứ không phải lối hành xử xuẩn ngốc của họ. Hãy tha thứ, quên đi hoặc coi như không thấy… và tập trung vào cuộc đời mình.
11. Ăn uống không đủ chất
Ăn những đồ ăn vặt không chút dinh dưỡng có thể khiến ta hài lòng ngay lập tức, nhưng về lâu dài lại có hại. Ăn uống nghèo nàn có thể khiến ta yếu đi, tăng cân, trầm cảm, thiếu năng lượng, năng suất làm việc giảm sút. Còn ăn uống đủ chất lại đưa đến những kết quả hoàn toàn trái ngược: ta cảm thấy tràn trề sức sống, cân nặng ổn định, tinh thần minh mẫn, làm việc hăng say. Hãy ăn uống hợp lý, bạn sẽ thật rạng ngời và cảm thấy tuyệt vời.
12. Làm quá mọi chuyện
Khi trải qua những chuyện bất mãn và không vui, phản ứng đầu tiên của chúng ta gần như là hoàn toàn cảm tính. Nói cách khác, ta bùng nổ không cần thiết. Những cảm xúc đó là do hạch hạnh nhân - trung tâm của những cảm xúc tiêu cực. Hãy thử lùi lại một bước, xem xét vấn đề một cách khách quan (giảm bớt cảm xúc hết mức có thể) và tập trung vào hướng giải quyết!
Cuộc sống vốn ngắn ngủi. Hạnh phúc hay không chỉ là do lựa chọn mà ra. Vì thế, những thói quen khiến bạn không hạnh phúc trên đây đều có thể phòng tránh được!
Theo Khỏe và Đẹp