Có được một video lan truyền (viral video) là mơ ước của bất kỳ người làm marketing nào. Nghiên cứu cho thấy, người xem các video được chia sẻ sẽ mua và giới thiệu sản phẩm cho bạn bè nhiều hơn so với những người xem video sau khi tìm kiếm trên internet.
Vì sao một số video lan nhanh như “cháy rừng”, còn một số khác lại nhanh chóng bị dập tắt?
Unruly, một công ty về công nghệ marketing đã có câu trả lời cho câu hỏi đó. Phân tích của Unruly trên 430 tỷ lượt xem video và 100.000 điểm dữ liệu người dùng cho thấy hai yếu tố mang tính quyết định cao nhất tới sự thành công của một video lan truyền là Phản ứng tâm lý (nội dung khiến họ cảm thấy như thế nào) và Động lực xã hội (tại sao bạn muốn chia sẻ chúng).
Cảm xúc mà các video mang lại càng lớn, người xem càng có xu hướng chia sẻ. Và đây cũng là hình thức “truyền miệng” trên môi trường mạng, một hình thức quảng cáo “bất khả chiến bại” từ trước tới nay.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu điều gì khiến các nội dung được chia sẻ nhiều nhất, bằng cách phân tích đoạn video có tên Puppyhood, một video thành công vang dội với 5 triệu lượt xem trong vòng 6 tuần sau khi ra mắt vào tháng 5. Trong đoạn video này, một anh chàng tình cờ bắt gặp và nhận nuôi một chú chó con, và cả hai đã nhanh chóng thân thiết với nhau như những người bạn cùng phòng.
Một khám phá thú vị là một phần nhỏ người dùng là tác nhân tạo ra phần lớn sự chia sẻ, và hầu hết những chia sẻ xuất hiện rất nhanh sau khi đoạn video được ra mắt.
Động lực chia sẻ
Unruly đã phát hiện ra 10 động lực của hành động chia sẻ, trong đó chiếm tới ba phần tư là Hỏi ý kiến – OPINION SEEKING (Tôi muốn biết bạn tôi nghĩ gì). Tiếp theo là Muốn trò chuyện – CONVERSATION STARTING (Tôi muốn bắt đầu một cuộc đối thoại trên mạng), Chia sẻ tiện ích xã hội - SOCIAL UNILITY (Điều này có thể có ích với bạn của tôi).
Còn lại là các động lực khác như muốn thể hiện kiến thức, muốn chia sẻ đam mê, muốn đóng góp cho lợi ích cộng đồng…
Phản ứng tâm lý
Hầu hết mọi người nghĩ rằng sự hài hước sẽ thúc đẩy sự chia sẻ, nhưng đó là một phản ứng rất khó đạt được và khá nhạy cảm vì nó mang tính văn hóa. Các công ty nên tìm cách gợi mở những phản ứng tích cực để nội dung tạo được sự cộng hưởng, và phản ứng càng mãnh liệt càng tốt.
Video Puppyhood đã nhận được các phản ứng như sau:
4 cảm xúc tích cực:
- Ấm áp – 58%
- Hạnh phúc – 56%
- Hài hước – 31%
- Ngạc nhiên – 10%
4 cảm xúc tiêu cực:
- Nhầm lẫn – 8%
- Khinh thường – 8%
- Chán ghét – 4%
- Giận dữ - 1%
Những người “siêu chia sẻ” làm nên sự khác biệt
Gần 18% người dùng internet chia sẻ video ít nhất 1 lần mỗi tuần, và gần 9% chia sẻ mỗi ngày. Các công ty nên tìm cách tiếp cận được lượng người “siêu chia sẻ” này.
Lượng người “siêu chia sẻ” video Puppyhood lên tới 82,4%.
Lượng người “siêu chia sẻ” video Puppyhood lên tới 82,4%.
Yếu tố thời gian
Lượng chia sẻ trong hai tuần đầu càng cao, đỉnh điểm lan truyền của video sẽ càng ấn tượng và số lượng chia sẻ sẽ càng lớn. Các marketer cần cân nhắc thực hiện các chiến dịch ban đầu nhằm tối đa hóa lượt xem trong giai đoạn cửa sổ này. Ngày video ra mắt cũng sẽ góp phần tạo nên sự khác biệt: Hầu hết các hoạt động chia sẻ diễn ra vào thứ Tư (ngày tối ưu), thứ Năm, và thứ Sáu.
Theo Doanh Nhân Sài Gòn