Nhằm truyền tải, chia sẻ những kỹ năng và kinh nghiệm giao tiếp ứng xử hiệu quả trong các mối quan hệ công việc, học tập, gia đình và mối quan hệ xã hội, bài viết này sẽ chia sẻ với các bạn 9 thủ thuật nhỏ sẽ giúp cải thiện khả năng giao tiếp của bản thân.
Chú ý tới ngôn ngữ cơ thể
Một số nghiên cứu cho rằng quá trình giao tiếp gồm 3 yếu tố: ngôn ngữ, phi ngôn ngữ (ngôn ngữ cơ thể) và giọng điệu. Trong đó, ngôn ngữ chỉ chiếm 7%, giọng điệu mà chúng ta nói thì cao hơn, chiếm 38%, còn ngôn ngữ cơ thể chiếm tới 55%. Như vậy có thể nói ngôn ngữ cơ thể chiếm vị trí rất cao trong các cuộc giao tiếp, đặc biệt là trực tiếp giữa các bên với nhau. Cũng nhờ ngôn ngữ cơ thể mà những người khiếm thính vẫn có thể giao tiếp và hiểu nhau rất bình thường.
Một phong thái tự tin khi giao tiếp đóng vai trò rất quan trọng, chúng ta có thể sử dụng những cử chỉ cơ thể đơn giản như đan 2 bàn tay với nhau, nhún vai, gật hoặc lắc đầu. Chúng đều rất quan trọng và trực tiếp chỉ cho người nghe thấy thái độ của chúng ta.
Bỏ bớt những từ ngữ dư thừa, không cần thiết
Khi nói, đặc biệt là thuyết trình, rất nhiều người hay có những từ "à, ừm, ờ" xen lẫn giữa các câu. Thoạt nhìn nó nó rất đỗi bình thường và đơn giản, nhưng nếu có thể, tập cách nói trơn tru và linh hoạt hơn sẽ giúp cuộc nói chuyện của chúng ta mang tính thuyết phục hơn. Hãy cố gắng ngắt câu thật chuẩn, có thể im lặng khi chuyển tiếp giữa 2 câu để nhấn mạnh ý nghĩa, nhằm tránh vô ý phát ra những từ "ờ, ừm" không cần thiết.
Lên kịch bản trước cho buổi nói chuyện
Một cuộc nói chuyện ngắn rất phổ biến trong cuộc sống của chúng ta, có thể là trò chuyện giữa bạn bè, đồng nghiệp, khách hàng, hoặc chỉ là một người mới quen. Với những buổi giao tiếp có tính quan trọng, việc lên kịch bản trước sẽ nói những gì, trọng tâm ở đâu sẽ giúp chúng ta kiểm soát tình hình tốt hơn, tự tin và lưu loát hơn.
Kể một câu chuyện cũng là cách hay
Khi thuyết trình trước mọi người, chúng ta có thể xen vào đó những mẩu chuyện nho nhỏ, nhằm gây ấn tượng và thuyết phục người nghe. Nếu không khá về kể chuyện, bạn cũng có thể tập và đưa ra những dẫn chứng, ví dụ liên quan trực tiếp tới vấn đề mình đang nói.
Đưa ra những câu hỏi, lặp lại ý của một người nghe
Một trong những bí quyết thành công của những người diễn thuyết đó là sự tự tin và ứng xử linh hoạt với các tình huống xảy ra. Để rèn luyện khả năng giao tiếp, khi thuyết trình thì chúng ta có thể đặt ra những câu hỏi nhỏ, từ đó khán giả có thể là người thay ta trả lời các vấn đề, thay vì tự mình nói ra hết.
Lặp lại ý của một khán giả, một câu hỏi mà họ đặt ra cũng là cách rất hay, cám ơn các câu hỏi đó và giải thích, tính thuyết phục đạt được sẽ cao hơn.
Dẹp bỏ những thứ có thể gây mất tập trung
Hãy tập cách dẹp điện thoại qua một bên khi nói chuyện với ai đó, bạn không thích một ai dán mắt vô màn hình điện thoại khi nói chuyện với mình thì người ta cũng vậy.
Điều chỉnh cách tiếp cận tùy theo đối tượng người nghe
Nói chuyện với bạn bè thì khác, với đồng nghiệp sẽ khác, với trẻ con cũng phải khác. Biết điều chỉnh ngữ điệu, ngôn ngữ cơ thể tùy theo đối tượng khán giả sẽ giúp bạn thành công hơn.
Trình bày rõ ràng, đủ ý khi dùng email
Khi trao đổi bằng email, điều cần thiết đó là chúng ta thể hiện đầy đủ thông điệp cần truyền tải, đồng thời chúng cũng nên ngắn gọn, súc tích để người nhận không phải chìm ngập trong các mớ chữ vô nghĩa.
Luôn luôn lắng nghe
Cảm nhận được người nghe muốn gì không phải là một việc dễ dàng. Điều tốt nhất bạn có thể làm để cải thiện kỹ năng giao tiếp của bản thân, đó chính là học cách thực sự lắng nghe để chú ý tới người đối diện, không làm gián đoạn khi học trình bày. Khi bạn tôn trọng người khác thì dĩ nhiên họ cũng sẽ tôn trọng lại chúng ta.
Sưu Tầm