Ngay từ bé chúng ta thường gặp những tư tưởng như vậy, người lớn gieo vào đầu chúng ta những quan điểm về làm giàu. Ai cũng nghĩ như vậy, mọi người bỏ công sức ra làm việc vất vả để kiếm tiền và chính vì quan điểm đó nên có những người sẳn sàng bỏ công sức rất nhiều để tích lũy những đồng tiền mà mình kiếm được. Ăn không dám ăn, mặc không dám mặc, không quan tâm gì đến sức khỏe của bản thân. Để rồi khi tuổi lao động qua đi thì suy nghĩ và hối tiếc về những chuyện trước đây. Lúc bấy giờ muốn ăn nhưng không ăn được, muốn ngủ nhưng không ngon giấc, muốn đi đó đây thì bệnh tật đeo bám. Vòng đời chẳng lẽ nó là như vậy?
Còn chúng ta những người trẻ thì sao? Chúng ta cũng không thoát ra được vòng xoáy này. Chúng ta được dạy để cạnh tranh, để chiến đấu vì đồng tiền vì danh dự. Học xong đại học mỗi người một công việc, năm hay mười năm sau gặp lại thì hỏi thăm nhau xem mày thành đạt cỡ nào. Mày kiếm được nhiều tiền không, hay chức vụ mày ra sao rồi. Ở cái xã hội mà có tiền sẽ nhận được sự kính trọng, nể nang. Chính vì vậy nó như một thỏi nam châm hút rất nhiều người về với nó. Khoảng 5 năm trở lại đây, có rất nhiều diễn giả dạy cho người trẻ chúng ta về cách làm giàu. Không ngờ giàu cũng có công thức, họ bảo giàu có là chuyện mà ai cũng có thể làm được nên chúng ta được chính họ gieo rắc vào đầu những suy nghĩ về chuyện làm giàu. Hiển nhiên với họ giàu ở đây là có nhiều tiền.
Còn nhớ thời gian mà bán hàng đa cấp làm mưa làm gió trên thị trường việc làm cho sinh viên. Những chuyên gia của các công ty ban hàng đa cấp họ dùng các từ ngữ vô cùng mạnh bạo để nói đến con đương sự nghiệp mà họ chia sẻ cho những người tham gia. Họ bảo: “Tôi sẽ trở thành triệu phú đô la năm 28 tuổi hay năm 30 tuổi.” Vân vân. Họ hay dùng từ “tự do tài chính” và thời gian mà họ được tự do tài chính rất sớm. Họ làm cho người trẻ có một niềm tin là giàu có rất dễ, dễ đến bất ngờ. Đó là các bạn gia nhập công ty và lập cho mình công ty riêng thế là có thể kiếm tiền, rất dễ. Bán hàng đa cấp không hề xấu, đó là một phát minh của ngành kinh doanh ở thế kỷ hai mươi mốt này. Nhưng ở xứ mình mọi điều có thể thay đổi, đổi thay đến ba trăm sáu mươi độ.
Đấy khái niệm giàu và làm giàu của chúng ta là như vậy. Có mấy ai trong chúng ta nhận thức được thành công về tiền bạc là thành công thấp nhất. Tại sao nó được xã hội nể trọng lại là kiểu thành công thấp nhất. Đó là vì tiền bạc chỉ là dạng vật chất sinh ra được sẽ mất rất nhanh. Nó không có giá trị để lại. Nhiều người trên hành trình đi đến sự giàu có về tiền bạc họ bấp chấp mọi thủ đoạn để đạt được mục đích. Đó có thể là những quyết định thâu tóm hoặc dùng sức mạnh tài chính đề đè bẹp đối thủ cạnh tranh trên thương trường. Có thể họ sẽ đạt được mục đích của họ đó là “TIỀN” nhưng để có được sự kính trọng và nể nan thực tâm từ đối thủ và những người xung quanh thì họ cần làm khác đi.
Sự khác này chính là “Đức” “Công” và “Ngôn”. Đây là ba thứ trên đời này mà sau khi bạn mất đi nó còn để lại đến nhiều thế hệ sau. Các bạn biết Bill Gates chứ, khi còn điều hành công ty Microsoft ông ấy là rất giàu có là chuyện ai cũng biết nhưng sẽ chóng quên thôi. Thế hệ sau sẽ nhớ đến ông ấy vì hành động quyên hơn 50% giá trị tài sản của ông ấy để làm từ thiện và giúp thế giới này cân bằng hơn. Vì một lẽ duy nhất đó là vòng tròn của tiền bạc. Ông ấy đã kiếm được tiền từ thế giới này thì những đồng tiền này nên trở về giúp đỡ những người cần được hổ trợ là điều hiển nhiên. Như thế sẽ tạo ra một sự cân bằng cho thế giới này. Đồng thời cũng tạo được sự cân bằng cho chính ông ấy. Dám chắc một điều rằng, khi làm công việc từ thiện này ông ấy sẽ hạnh phúc hơn khi kiếm được nhiều tiền và thành tỷ phú thế giới. Đấy là cái mà ông ấy sẽ lưu danh đến nhiều năm sau. Đấy là tích công và đức.
Những nhà văn, nhà khoa học, chính trị gia hay các tỷ phú. Họ là những người tài giỏi họ có tiền và có khả năng sử dụng đồng tiền để nâng cao giá trị của bản thân. Có một câu nói rất hay: “Phú quý sanh lễ nghĩa.” Tức là khi bạn có tiền thì bạn sẽ có lễ nghĩa. Bằng nhiều cách có thể bạn dùng tiền mà bạn kiếm được quay lại đầu tư cho chính bạn. Bạn đi học, tham gia các khóa tập huấn, huấn luyện hay xây dưng cho mình một thư viện. Có nhiều cách giúp cho bạn thành người trí thức, thành người có học. Đó là một chân lý đến giờ vẫn chưa có ai phản biện một cách xác đáng. Người đời sẽ còn nhớ đến câu nói này thêm nhiều thế hệ nữa. Đấy là lưu ngôn.
Đấy chính là cách mà chúng ta có thể lưu lại thế giới này, tích công, tích đức hay là những phát ngôn. Kiếm tiền và làm giàu không khó và cũng không dễ. Nhưng sau khi trở nên giàu có, tự do tài chính thì chúng ta nên hành động để thế hệ sau này vẫn nhớ chúng ta là ai và chúng ta có đóng gớp gì cho xã hội này. Làm giàu chân chính khi chúng ta lao động, hy sinh mà có được. Cuộc sống này không chấp nhận những người chỉ muốn làm giàu mà không lao động.
Theo Kinh Tế và Dự Báo
Bài viết cùng chuyên mục Mẹo Vặt: