Không chỉ nghiên cứu giấc ngủ ở loài người, các nhà khoa học còn tiến hành nghiên cứu giấc ngủ của nhiều loài sinh vật khác nhau và phát hiện thêm nhiều điều thú vị khác. Các loài động vật không có cách ngủ giống nhau, có những loài nằm xuống để ngủ, có loài treo ngược trên cành cây để ngủ, lại có loài đứng để ngủ. Thậm chí có những loài phải trải qua một giấc ngủ rất dài để sống sót qua mùa đông, mà ta vẫn hay gọi là loài ngủ đông.
Có những loài động vật ngủ rất nhiều như loài dơi, chúng ngủ trung bình 20 giờ mỗi ngày và chỉ hoạt động vào ban đêm. Trong khi đó, hươu cao cổ chỉ ngủ khoảng 30 phút mỗi ngày. Và hầu hết các loài động vật có vú ngủ nhiều hơn trong giai đoạn chưa trưởng thành.
Giấc ngủ của các loài động vật còn ẩn chứa nhiều điều bí ẩn hơn cả con người, có những loài có thể thay đổi hình thức ngủ thông thường trong những điều kiện khác nhau. Như một số loài chim di cư có thể ngủ ít hơn, hay thậm chí không ngủ trong suốt thời gian đi tìm nơi ở mới. Một số loài vật khác còn có những giấc ngủ unihemispheric, một hình thức ngủ vô cùng đặc biệt khi chỉ có một nửa của não bộ hoàn toàn nghỉ ngơi, trong khi nửa còn lại vẫn hoạt động bình thường như loài cá voi và cá heo.
Trong khi các loài động vật bậc cao đều cần ngủ, những sinh vật bậc thấp không có khái niệm rõ ràng về giấc ngủ vì đơn giản là não của chúng không cần phải nghỉ ngơi, ở những loài này chỉ có sự suy giảm hoạt động thể chất như một sự nghỉ ngơi của cơ thể. Bằng cách sử dụng phương pháp đo lường chức năng hoạt động ở loài ruồi giấm, họ ghi nhận được những khoảng thời gian mà chúng nghỉ ngơi bằng cách giảm các chức năng hoạt động của cơ thể. Bằng một thử nghiệm thú vị họ phát hiện ra rằng những con ruồi không được nghỉ ngơi sẽ có phản xạ chậm hơn nhiều trong việc tìm kiếm thức ăn.
Cá là một trong những sinh vật không được nghiên cứu nhiều về giấc ngủ, bởi các điều kiện nghiên cứu khó khăn. Các nhà khoa học cho rằng một số loài cá hoạt động theo đàn và thường bơi liên tục sẽ không ngủ, trong khi một số loài cá khác hoạt động đơn lẽ vẫn có thể ngủ vào ban đêm. Tuy nhiên giấc ngủ của loài cá khá ngắn và dễ bị gián đoạn do tác động xung quanh trong môi trường nước. Một số loài cá trong thời kỳ sinh sản hoạt di cư cũng bỏ đi thói quen ngủ của mình.
Bò sát là một trong những loài sinh vật “ngủ như chết”. Các nhà khoa học phát hiện mô hình sóng não ở các loài bò sát khi đang ngủ rất khác biệt so với động vật có vú, các hoạt động sóng não của chúng giảm đến mức tối đa. Khi đã chìm vào một giấc ngủ sâu, rất khó để đánh thức chúng dậy, đặc biệt những loài bò sát lớn như rồng komodo hay cá sấu thì càng khó để đánh thức chúng.
Theo Trí Thức Trẻ
Bài viết cùng chuyên mục Khám Phá