Giáo sư Daniel Bonn, một thành viên trong nhóm nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi đã bắt đầu nghiên cứu dự án này từ một bức tranh cổ được phát hiện trong ngôi mộ của Djehutihotep. Bức tranh miêu tả cảnh 172 người đàn ông kéo một tảng đá khổng lồ trên bề mặt cát bằng cách sử dụng một tấm ván gỗ. Trong bức tranh có một người đàn ông đứng phía trước tấm ván và đổ nước lên trên cát. Câu hỏi được đặt ra là tại sao họ lại làm thế. Trong khi đó các nhà Ai Cập học cho rằng đó là một nghi lễ đặc biệt”.
Bonn và các đồng nghiệp của mình đã tiến hành một thử nghiệm với quy mô nhỏ, sử dụng một tấm ván để kéo vật nặng qua một khay cát. Các nhà khoa học nhận thấy rằng, đối với cát khô, trọng lực của vật nặng làm cho tấm ván lún xuống bề mặt cát và tạo ra lực cản ở phía trước, do đó phải mất rất nhiều lực để kéo. Khi thử nghiệm làm ướt bề mặt cát, tăng độ kết dính của cát và tấm ván đã có thể dễ dàng trượt đi trên bề mặt.
Do những giọt nước có thể tạo ra cầu nối giữa những hạt cát, giúp chúng liên kết với nhau và tạo thành một mặt phẳng cố định. Đây cũng là lý do tại sao khi xây lâu đài cát bằng cát ướt sẽ dễ dàng hơn sử dụng cát khô.
Tuy nhiên, nếu cát quá ướt cũng có thể khiến việc kéo tấm ván trở nên khó khăn hơn. Do đó cần một lượng nước nhất định và còn tùy thuộc vào tính chất của từng loại cát. Thông thường tỷ lệ nước ở giữa khoảng 2-5% lượng cát. Do đó có thể thấy những người Ai Cập cổ đại có thể đã nắm rõ được cả tỷ lệ này và áp dụng vào việc di chuyển những tảng đá khổng lồ.
Giáo sư Bonn cho biết thêm: “Làm ướt cát trên sa mạc giúp làm giảm lực ma sát khi kéo các vật nặng trên bề mặt, bạn sẽ chỉ cần sử dụng một nửa số lượng người cần thiết để kéo một tảng đá khổng lồ trên bề mặt cát ướt so với cát khô”.
Kết quả của nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Physical Review Letters, đã giúp giải thích câu hỏi “Làm thế nào người Ai Cập cổ đại có thể di chuyển những khối đá khổng lồ trên sa mạc để xây dựng kim tự tháp?”. Bên cạnh đó phát hiện mới này cũng có những ứng dụng thực tiễn hiện đại. “Nó có thể giúp chúng ta hiểu thêm về kết cấu của các vật liệu dạng hạt khác như nhựa đường, bê tông, than đá, từ đó có những cách thức cải tiến việc vận chuyển các nguồn tài nguyên khác nhau” giáo sư Bonn cho biết.
Theo Trí Thức Trẻ
Bài viết cùng chuyên mục Khám Phá