Thiên nhiên luôn ẩn chứa vô vàn điều thú vị. Cầu vồng đôi, mây vảy rồng, sóng biển phát sáng... là những hiện tượng thiên nhiên kỳ thú, tác phẩm tuyệt vời mà tạo hóa ban tặng cho con người. Cùng điểm lại một vài những hiện tượng thời tiết, thiên nhiên độc đáo qua tổng hợp của trang BuzzFeed dưới đây.
Hiện tượng thời tiết
1. Cầu vồng đôi
Cầu vồng đôi thường xảy ra khi có hai cơn mưa rào cùng lúc, tức là khi có sự kết hợp của các giọt nước lại với nhau. Khi đó, các hạt mưa sẽ có kích cỡ khác nhau và tạo ra các cầu vồng hơi biến dạng.
Người ta cũng đặt tên cho những giọt nước kì diệu gây ra hiện tượng ấy là “giọt burgeroid” vì chúng giống những chiếc bánh hamburger. Những cầu vồng này kết hợp sẽ làm thành cầu vồng song sinh.
2. Cầu vồng lửa
“Cầu vồng lửa” thực chất là hiện tượng quang học, cho thấy khả năng biến hóa kỳ diệu của ánh sáng Mặt trời. Theo đó, các tinh thể băng hình đĩa trong các đám mây mỏng sẽ hấp thụ một vài màu sắc của ánh sáng Mặt trời, để lại một vài màu sắc đặc biệt trên bầu trời.
Tên thông dụng của hiện tượng độc đáo trên là “cầu vồng lửa” nhưng thuật ngữ chính xác nhất được các nhà khoa học chấp nhận khi nói hiện tượng này là Circumhorizon arc. Màu sắc độc đáo đã khiến Circumhorizon arc được gọi là cầu vồng lửa nhưng về mặt bản chất, nó hoàn toàn không liên quan tới cầu vồng.
3. Mây thấu kính
Mây dạng thấu kính (Lenticular Clouds) rất hiếm gặp, thường xuất hiện dọc theo các dãy núi cao và chỗ khuất gió bên sườn núi, nhất là khi có một dòng không khí khô hoặc ẩm ổn định bay ngang qua ngọn núi hay đồi.
Khi lớp không khí ẩm bị đẩy lên cao và đạt đến một điểm bão hòa, nó cô đọng lại thành những đám mây có hình bông xốp, nhiều tầng, nhìn xa như đĩa bay. Bởi vậy, nhiều người thường gọi những đám mây thấu kính là "mây UFO".
4. Mây vảy rồng
Mây Mammatus hay "mây vảy rồng" là một thuật ngữ khí tượng học nói đến những đám mây hình cầu kỳ lạ. Đám mây này được tạo ra bởi nhiều bọng mây nhỏ tụ lại, tạo thành một mảng mây rộng lớn, lơ lửng, dày đặc trên bầu trời.
Những đám mây này thường xuất hiện khi có giông bão lớn kèm theo sấm sét trong những tháng thời tiết ấm nóng và tồn tại trong khoảng 15 phút - 1 giờ đồng hồ.
5. Mây xà cừ
Đây là một hiện tượng rất hiếm gặp, thường xảy ra vào thời điểm “ít ánh sáng” như trước khi bình minh hoặc sau khi Mặt trời lặn. Mây xà cừ là một dạng mây được hình thành ở những khu vực cực kỳ lạnh của tầng bình lưu thấp, ở độ cao khoảng 15.000 - 25.000m.
Trong điều kiện nhiệt độ xuống cực thấp, các đám mây ở nhiều dạng khác nhau được hình thành, phân loại theo trạng thái vật lý và thành phần hóa học. Độ cong của bề mặt Trái đất sẽ giúp các đám mây nhận ánh sáng hắt lên từ chân trời và phản xạ lại mặt đất, tạo nên hiện tượng mây xà cừ.
6. Mây gợn sóng Undulatus Asperatus
Đây được coi là một dạng mây hiếm gặp. Các chuyên gia cho rằng, bề mặt dưới lộn xộn của đám mây Asperatus có thể do có gió mạnh khuấy động các lớp khí nóng và lạnh ổn định tồn tại trước đó. Điều này khiến cho mây có những đoạn gấp khúc, hình thành các đám mây gợn sóng một cách hỗn loạn, bất thường.
7. Cột ánh sáng thẳng
Những cột ánh sáng này thường xuất hiện trong thời tiết rất lạnh ở vùng cực. Nguyên nhân tạo ra những cột sáng kỳ lạ này là do thời tiết băng giá tạo ra những tinh thể băng sương ở gần mặt đất, khi đó ánh sáng sẽ bị phản chiếu ngược lên tạo hình dạng như những cột sáng.
Hiện tượng thiên nhiên
1. Sét núi lửa
Sét núi lửa hay còn gọi là cơn bão bẩn, đây là một hiện tượng thiên nhiên đặc biệt xảy ra khi sét đánh cùng lúc với núi lửa phun trào. Các nhà khoa học hiện vẫn chưa đưa ra được lời giải thích chính xác nhất cho hiện tượng này.
Giả thuyết được đưa ra là chính sự chuyển động của phần tử tro bụi, dung nham núi lửa có mang điện tích đã tạo ra dòng điện.
2. Sét Catatumbo
Đây là một hiện tượng thiên nhiên chỉ xảy ra trên các cửa sông Catatumbo, phía Tây Bắc Venezuela. Không khí ấm và lạnh gặp nhau sẽ tạo điều kiện thích hợp cho sét đánh xảy ra liên tục, khoảng 140 - 160 đêm/năm; 10h/ ngày và lên đến 280 lần/giờ.
Sét Catatumbo thường kèm theo các dải màu sắc sặc sỡ. Bình thường sét màu trắng nhưng nếu trong không khí ẩm, lượng khí hydro tăng thì sẽ tạo ra những dải sét đỏ, còn vào ban đêm sét trông có màu hồng.
3. Bong bóng khí đóng băng
Trong lòng hồ Abraham, Canada tồn tại rất nhiều hình khối với hình dạng như cuộn lên, màu trắng đục. Đó chính là những bong bóng khí metan bị đông lạnh, nằm lưu lại giữa lòng hồ. Khi mùa xuân đến, hồ Abraham bắt đầu tan băng, những bong bóng này được giải phóng và nổi lên trên mặt hồ.
4. Sóng biển phát sáng
Hiện tượng sóng biển có màu dạ quang xanh xảy ra do sự phát sáng của một số loại sinh vật phù du sống lơ lửng trong nước biển. Loài sinh vật phù du gây ra hiện tượng này được cho là của một loài tảo biển.
Loài tảo biển này ban ngày phát ra ánh sáng màu đỏ và cũng chính là nguyên nhân gây ra hiện tượng thủy triều đỏ khi chúng nở hoa rầm rộ với số lượng lớn. Ban đêm, chúng lại phát ra ánh sáng neon màu xanh, chuyển động trong nước biển và gây ra hiện tượng nêu trên.
5. Thủy triều đỏ
Thủy triều đỏ hay sự "nở hoa" của tảo là cách gọi để chỉ hiện tượng bùng nổ về số lượng của tảo biển. Khi tảo tập trung lại một cách nhanh chóng ở phần cửa sông, biển... sẽ biến cả vùng nước đó thành màu đỏ như máu.
Tuy nhiên, hiện tượng này thường đồng hành với sự giảm thiểu nhanh chóng hàm lượng oxy trong nước. Đây cũng là nguyên nhân làm chết nhiều loài sinh vật biển trong tự nhiên.
6. Ống khói tuyết
Ống khói tuyết chính là những mạch phun núi lửa khí bị đóng băng. Các mạch phun khí là những đường nứt từ lòng đất, giúp giải phóng hơi nước từ núi lửa thoát ra bên ngoài.
Vùng địa cực cũng có núi lửa và đi kèm với đó là các mạch phun khí. Tuy nhiên, nhiệt độ ở đó lạnh đến mức các phân tử nước đóng băng ngay lập tức khi tiếp xúc với không khí bên ngoài. Quá trình này diễn ra cho tới khi chúng trở thành những ống khói tuyết cao tới 20m tỏa hơi nước ra xung quanh.
7. Hoa sa mạc
Cứ vài năm một lần, tại sa mạc Atacama, Chile cằn cỗi lại mọc ra những loài hoa tuyệt đẹp. Điều này là do vào tháng 9 và tháng 11 trong năm, sa mạc lại nhận được một trận mưa với lượng nước mưa dâng cao bất thường. Trong khi trung bình, mực nước mưa mà khu vực nhận được ít hơn 12mm.
8. "Cổng địa ngục" Turkmenistan
"Cổng địa ngục" Turkmenistan thực chất là một hố lửa khổng lồ sâu 60 - 70m, đã cháy liên tục hơn 40 năm qua. Năm 1971, trong quá trình thăm dò địa chất tại sa mạc, các kỹ sư địa chất Liên Xô đã khoan trúng một hang ngầm chứa đầy khí đốt.
Lo sợ gây ô nhiễm môi trường, chính phủ đã quyết định châm lửa đốt với hi vọng khí gas trong hố sẽ cạn kiệt trong thời gian ngắn. Song trái với tính toán, lượng khí gas quá lớn đã khiến ngọn lửa cháy liên tục trong suốt hơn 40 năm qua.
Theo Trí Thức Trẻ
Bài viết cùng chuyên mục Khám Phá