Từ lâu, giới khoa học đã cho rằng, Mặt trăng của chúng ta hình thành sau khi Trái đất bị một hành tinh có kích cỡ tương đương sao Hỏa đâm phải cách đây hàng tỉ năm. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn tranh cãi kịch liệt về thời gian hình thành chính xác của vệ tinh Trái đất.
Một số nhà khoa học tin Mặt trăng bắt đầu xuất hiện gần 30 triệu năm sau sự hình thành hệ mặt trời, trong khi số khác tuyên bố, mãi tới 100 triệu năm sau, điều đó mới xảy ra. Nghiên cứu mới của các nhà khoa học hành tinh đến từ Đức, Pháp và Mỹ đã xác thực nhận định thứ hai.
Nhóm nghiên cứu quốc tế đã thực hiện 259 mẫu mô phỏng trên máy tính về sự phát triển của Trái đất, sao Thủy, sao Kim và sao Hỏa. Trong quá trình phân tích, họ phát hiện một mối liên hệ giữa thời điểm Trái đất bị đâm với lượng vật liệu thêm vào hành tinh của chúng ta sau va chạm.
Mối quan hệ này có vai trò rất giống một chiếc đồng hồ xác định niên đại Mặt trăng. Nó được coi là "đồng hồ địa chất" đầu tiên trong lịch sử hệ mặt trời thuở sơ khai, không phụ thuộc vào các đo đạc và phân tích phân rã phóng xạ của hạt nhân nguyên tử để xác định tuổi.
Các nghiên cứu trước đây đã chứng minh, sự tồn tại số lượng lớn các nguyên tố siderophile cao (nguyên tố có nguyên tử liên kết hóa học với sắt) trong lớp vỏ Trái đất tỷ lệ thuận với khối lượng hành tinh chúng ta bị mất sau va chạm cách đây hàng tỉ năm.
Từ những phép đo địa hóa học này, chiếc đồng hồ mới đã giúp xác định thời điểm hình thành Mặt trăng là gần 95 triệu năm sau khi hệ mặt trời ra đời, với sai số khoảng 32 - 39 triệu năm. Do hệ mặt trời được cho là hình thành cách đây khoảng 4,6 tỉ năm, nên tuổi thực của Mặt trăng là 4,51 tỉ năm.