Nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Duke (Bắc Carolina, Mỹ) đã tiến hành thử nghiệm mô cơ nhân tạo, được sản sinh từ các tế bào nguồn chưa trưởng thành (các tế bào máu chưa được huy động cho bất kỳ mục đích sử dụng nào) ở chuột. Kết quả cho thấy, không giống những ví dụ trước kia về cơ biến đổi sinh học, các sợi cơ nhân tạo mới co rút mạnh mẽ như những sợi cơ tự nhiên.
"Việc cấy các tế bào vệ tinh hoặc cơ kém phát triển hơn, đơn giản sẽ không hiệu quả. Loại cơ nhân tạo phát triển tốt của chúng tôi cung cấp môi trường thích hợp cho các tế bào vệ tinh sinh trưởng và khi cần sẽ khôi phục hệ thống cơ khỏe mạnh cũng như chức năng của nó", Mark Juhas, một thành viên nhóm nghiên cứu, giải thích.
Việc kích hoạt mô co rút bằng xung điện cho thấy, cơ nhân tạo mới chắc khỏe hơn gấp 10 lần so với mọi loại cơ từng được tạo ra trong phòng thí nghiệm trước đây. Sau khi làm tổn thương cơ bằng độc tố trong nọc rắn, các tế bào vệ tinh đã vào cuộc, kích hoạt, tăng lên gấp bội và sửa chữa những sợi cơ bị tổn thương.
Các nhà khoa học đã quan sát được quá trình cơ nhân tạo hòa nhập và trưởng thành trong một động vật sống, thông qua các ô cửa kính nhỏ gắn vào lưng của những con chuột thí nghiệm. Một biến đổi gen khiến các sợi cơ nhấp nháy huỳnh quang khi co rút đã giúp nhóm nghiên cứu theo dõi được sự lớn mạnh của chúng theo thời gian. Các sợi cơ càng chắc khỏe, độ phát sáng nhấp nháy càng tăng.
Theo Trí Thức Trẻ
Các nhà nghiên cứu tuyên bố, công trình của họ đánh dấu một bước quan trọng trong khả năng phát triển cơ thay thế được ở con người. Sự ra đời của các cơ như vậy được kỳ vọng sẽ hữu ích cho quá trình nghiên cứu bệnh tật cũng như chữa trị tổn thương cho chúng ta.