Một nghiên cứu mới của ĐH East Anglia (Anh) đã chỉ ra thêm 4 loại khí thải do con người tạo ra được tìm thấy trong khí quyển có thể gây phá hủy tầng ozone.
Cụ thể, hơn 74.000 tấn chất thải bao gồm 3 loại khí mới thuộc nhóm chlorofluorocarbons (CFCs - từng có mặt rộng rãi trong tủ lạnh, máy điều hòa không khí...) và một chất nhóm hydrochlorofluorocarbon (HCFC) đã được thải trực tiếp vào môi trường.
Đây đều là những loại khí không những gây phá hủy tầng ozone nghiêm trọng mà còn làm suy giảm mạnh quá trình hồi phục những lỗ thủng trên tầng ozone hiện nay.
Hình ảnh lỗ thủng tầng Ozone rất lớn ở Nam Cực tháng 10/2013.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành so sánh mẫu không khí ngày nay với không khí từ một thế kỉ trước. Lượng khí 100 tuổi này được tìm thấy trong các hạt tuyết ở đầu địa cực. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đối chứng với lượng khí thu thập vào năm 1978 và 2012 tại vùng không bị ô nhiễm ở Tasmania.
Kết quả cho thấy, 4 loại khí thải kể trên chỉ mới xuất hiện từ thập niên 1960 và 2 trong số đó đã tích tụ với mức độ khá cao và nguy hiểm. Điều này cho thấy đây hoàn toàn là những sản phẩm của con người.
Kể từ khi các chương trình kiểm soát CFCs được phát động vào thập niên 90, chưa có lượng CFCs nào có mức độ lớn như vậy xuất hiện. Dù sự nguy hiểm thấp hơn nhiều so với đỉnh điểm một triệu tấn/năm ở thập niên 80, nhưng tình trạng hiện nay vẫn rất đáng báo động.
CFCs được xác định là thủ phạm chính của những lỗ thủng ozon lớn tại Nam Cực. Các đạo luật được đưa ra nhằm giảm thiểu sử dụng CFCs đã được ban hành vào năm 1989. Và đến năm 2010, CFCs đã bị cấm sử dụng hoàn toàn.
Động thái này đã giúp giảm mạnh các hoạt động tạo ra những chất thuộc nhóm khí thải này. Tuy nhiên, sơ hở của pháp luật nằm ở chỗ, một số hoạt động đặc biệt vẫn được phép sử dụng và tạo ra CFCs.
Nhóm nghiên cứu cho biết, sự xuất hiện của 4 loại khí thải mới này rất nguy hiểm và hiện nay vẫn chưa xác định được nguồn gốc chính xác tạo ra chúng. Mối nghi ngờ đầu tiên được cho là các chất hóa học làm nguyên liệu chế biến thuốc trừ sâu và dung môi làm sạch linh kiện điện tử.
Sự nguy hại lớn nhất nằm ở chỗ, 3 trong 4 loại khí thải này có sự tan rã rất chậm trong không khí. Điều này đồng nghĩa với việc kể cả con người dừng hoàn toàn các hoạt động phát sinh thêm các khí thải trên, chúng sẽ vẫn "gặm nhấm" tầng ozone trong nhiều thập kỉ trước khi tan rã hoàn toàn.
Nghiên cứu được hỗ trợ bởi Hội đồng nghiên cứu Môi trường tự nhiên (NERC), Trung tâm khoa học Khí quyển Quốc gia (NCAS), Liên minh châu Âu, và Tổ chức nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp khối thịnh vượng chung (CSIRO).
Theo Trí Thức Trẻ