Đây là quyết định chào mua công khai một công ty niêm yết của một trong những cô gái trẻ nhất trên TTCK với nguồn tài chính được công bố là từ tiền tiết kiệm của mẹ ruột. Hiện tại, Nguyễn Trần Thảo Nguyên đang nắm giữ hơn 780 nghìn cổ phiếu, tương đương 9,76% cổ phần. Và nếu thương vụ nói trên thành công, cô gái trẻ tuổi này sẽ nắm giữ gần 25,5% cổ phần TNA, vượt qua tổng tỷ lệ cổ phần mà ông Hòa cùng vợ và em gái đang nắm giữ (gần 21%).
Văn bản chào mua mà TNA công bố khẳng định việc chào mua không nhằm mục đích thay đổi hoạt hoạt động kinh doanh của công ty, mà thuần túy chỉ là khoản đầu tư tài chính.
Với mức giá TNA hiện tại khoảng 27.000 đồng/cp, nếu thương vụ thành công cô gái trẻ Thảo Nguyên sẽ nắm giữ khoảng 55 tỷ đồng giá trị cổ phiếu. Ngược lại, cô sẽ vẫn nắm giữ khoảng 21 tỷ đồng, một con số không hề nhỏ so với một thiếu nữ mới 23 tuổi.
Trong báo cáo quản trị mới nhất của DongABank, NH này cho biết ba người con gái của ông Trần Phương Bình (phó chủ tịch kiêm TGĐ) là Trần Phương Ngọc Giao, Trần Phương Ngọc Hà và Trần Phương Ngọc Thảo đang nắm giữ hơn gần 24 triệu cổ phần.
Nếu tính cả DN Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) nơi mà vợ ông Bình là bà Cao Thị Ngọc Dung làm chủ tịch thì, 3 ái nữ của vợ chồng doanh nhân này đang nắm giữ tổng số cổ phiếu trị giá ước tính khoảng 340 tỷ đồng.
Ái nữ nổi tiếng của chủ tịch Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (REE) Nguyễn Thị Mai Thanh là Nguyễn Ngọc Nhất Hạnh đầu năm mới 2014 cũng đã thu hồi 400.000 cổ phiếu REE ủy thác từ một công ty quản lý quỹ, nâng tổng số cổ phiếu sở hữu lên gần 3,6 triệu đơn vị, trị giá khoảng 115 tỷ đồng.
Với khối tài sản khổng lồ này, cô gái trẻ sinh năm 1991 Nhất Hạnh lọt vào top 120 người giàu nhất trên TTCK và nằm trong số những triệu phú trẻ tuổi nhất, kết quả của sự ưu ái của nữ tướng của một trong 2 DN niêm yết đầu tiên trên sàn chứng khoán, bà Mai Thanh.
Hồi giữa năm 2013, TTCK xôn xao với quyết định bổ nhiệm bà Phạm Đỗ Diễm Hương - con gái ông Phạm Trung Cang (mới từ nhiệm chức chủ tịch trước đó) làm chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Nhựa Tân Đại Hưng (TPC) khi mới bước sang tuổi 24. Nữ chủ tịch trẻ nhất sàn chứng khoán Diễm Hương cùng với chị gái hiện đang nắm giữ khoảng 1,6 cổ phiếu TPC.
Rất nhiều "ngọc nữ" khác trong vài năm gần đây được cha mẹ là các doanh nhân cho nắm giữ cổ phiếu trị giá hàng chục cho tới hàng trăm tỷ đồng như: con gái ông chủ Thủy sản Minh Phú, Lê Thị Dịu Minh (hơn 3,1 triệu cổ phiếu, trị giá khoảng 83 tỷ đồng); con gái ông Đặng Văn Thành - nguyên chủ tịch Sacombank, Đặng Huỳnh Ức My (nắm 3,9 triệu cổ phiếu SBT, 3 triệu BHS, trị giá gần 90 tỷ đồng); con gái ông chủ Alphanam - Nguyễn Ngọc Mỹ (gần 10 triệu cổ phiếu ALP, trị giá khoảng 42 tỷ đồng...
Bên cạnh đó, khá nhiều ái nữ của các doanh nhân chưa có cổ phiếu lên sàn cũng sở hữu hoặc/và đang sở hữu những khối tài sản khổng lồ như: con gái ông chủ tập đoàn BĐS Nam Cường, Trần Thị Quỳnh Ngọc (sở hữu cổ phiếu trị giá vài trăm tỷ đồng); tiểu thư nhà Vạn Thịnh Phát, Trương Huệ Vân; con gái ông chủ Tân Hiệp Phát, Trần Uyên Phương...
Lộc trời cho
Có thể nói, con cái là cái lộc trời cho và cũng là lớp kế tục gia đình. Việc chuyển tài sản cho con cái cũng là điều tất yếu. Trong một vài năm gần đây, xu hướng lớp doanh nhân thế hệ 1 chuyển quyền lực, tài sản cho con cái diễn ra khá rõ nét. Một điểm nổi bật là tài sản và quyền lực không chỉ giao lại cho các cậu ấm, mà còn cho cả con gái.
Trong trường hơp Alphanam (ALP), ông Nguyễn Tuấn Hải (chủ tịch) gần đây cho con trai là Nguyễn Minh Nhật (1988) chào mua công khai hơn 9,6 triệu cổ phiếu ALP nhằm đảm bảo quyền lợi cho cổ đông nhỏ lẻ không có nhu cầu nắm giữ khi công ty hủy niêm yết. Trong khi em gái của Minh Nhật là Nguyễn Ngọc Mỹ cũng đã sở hữu 9,6 triệu cổ phần APL, trị giá hàng chục tỷ đồng.
Tại gia đình mía đường, BĐS và tài chính Thành Thành Công của vợ chồng ông Đặng Văn Thành và Huỳnh Bích Ngọc, con trai Đặng Hồng Anh nắm cả trăm tỷ đồng giá trị cổ phiếu Sacomreal (và trước đó là cả cổ phiếu Sacombank) nhưng con gái Đặng Huỳnh Ức My cũng nắm cả trăm tỷ giá trị cổ phiếu mía đường và chức chủ tịch Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT - trước là Bourbon Tây Ninh)...
Doanh nhân trẻ tuổi Phạm Đỗ Diễm Hương thậm chí còn thay cha vận hành cả một DN nhựa khá lớn trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn. Những kết quả kinh doanh ban đầu của TPC dưới "triều đại" ngọc nữ cũng khá ấn tượng. Cổ máy TPC không bị phá vỡ và vẫn đang hoạt động ổn định.
Gần đây, con gái ông Đặng Thành Tâm, Đặng Nguyễn Quỳnh Anh cũng đã đăng ký lần 2 mua 10 triệu cổ phiếu KBC, trị giá trên 100 tỷ đồng. Rất có thể đây cũng là một bước chuyển tài sản cho các con của doanh nhân gặp nhiều khó khăn này.
Nhìn vào nhiều DN có thể thấy, trong vài năm gần đây, việc chuyển giao tài sản và quyền lực cho con cái đang diễn ra khá mạnh. Điểm nổi bật là nhiều ái nữ cũng có quyền lợi ngang bằng với con trai. Ở nhiều DN, sự chuyển giao có thể chỉ diễn ra ở mức độ chuyển bớt cổ phiếu, tài sản sang các con nhưng cũng có nhiều trường hợp chuyển giao cả quyền lãnh đạo, dẫn dắt DN.
Trên thực tế, nhiều DN lớn được các doanh nhân xây dựng đã có hệ thống quản trị chuyên nghiệp. Tuy nhiên, đa số các gương mặt đã và sắp tham gia vào quản lý DN như Ức My, Nhất Hạnh, Ngọc Thảo, Diễm Hương, Kiều Trang... đều là những người có thành tích học tập rất giỏi hoặc kinh nghiệm kinh doanh dày dạn. Trần Phương Ngọc Thảo được biết đến với học vị tiến sĩ kinh tế tại Đại học Harvard, còn Kiều Trang tốt nghiệp Đại học Oxford chuyên ngành kinh tế và quản trị.
Với kiến thức quản trị hiện đại, cùng sự trợ giúp của những người đi trước, về lâu dài, rất có thể các ái nữ nhà đại gia lèo lái được cỗ máy nghìn tỷ mà người thân trong gia đình mất bao công gầy dựng.
Theo VietNamNet