Chiến tranh vẫn luôn là khái niệm mơ hồ. Chính trị gia, triết gia, sử gia, họ vẫn tranh cãi về nó cho đến nay. Nhưng trong phạm vi bài viết này, hãy lờ đi những khái niệm như “chiến tranh thuốc phiện” hay “chiến tranh chống nghèo đói”. Chúng ta đang đề cập đến những cuộc chiến thực sự, những thứ vũ khí thực sự với những xung đột thực sự giữa các quốc gia.
Cứ cho rằng bạn có khả năng làm điều đó. Cứ cho rằng bạn sẽ sẵn sàng làm điều đó mà không mảy may do dự. Liệu đã đến lúc chúng ta mở tiệc ăn mừng? Điều gì sẽ xảy đến tiếp theo?
Quân đội sẽ không dễ dàng biến mất chỉ trong một sớm một chiều. Không chỉ tham gia chiến đấu trong chiến tranh, bạn còn cần đến họ để bảo vệ đường biên giới, hỗ trợ cư dân trong những thảm họa thiên nhiên và tất nhiên, để giữ nguyên trật tự của xã hội. Nhưng một khi những xung đột giữa các quốc gia chấm dứt, quân đội sẽ trở nên quá tải cả về nhân lực, nguồn tài trợ và nguồn cung cấp các nhu yếu phẩm.
Chi phí cho quân đội, ước tính tổng các quốc gia trên thế giới ở vào mức 2 nghìn tỷ đô la. Vào năm 2007, Mỹ vượt lên trên các quốc gia khác với con số 741 tỷ đô la mỗi năm, chiếm khoảng 5.2% tổng thu nhập quốc dân. Điều này đồng nghĩa với việc, khi chiến tranh hoàn toàn chấm dứt, Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ phải thắt chặt chi tiêu của mình trong quân sự, dành số tiền đó cho các hoạt động khác.
Việc làm cũng là vấn đề không kém phần nan giải. Năm 2010, quân đội Mỹ ước tính khoảng hơn 1.4 triệu quân nhân chính thức và hơn 800.000 quân nhân dự bị. Cùng với đó là hơn 1.6 triệu người làm việc trong các ngành nghề phục vụ quân đội. Khi chiến tranh không còn tồn tại, không riêng gì Mỹ, chính phủ các quốc gia khác sẽ phải rất vất vả trong việc tìm kiếm việc làm cho các đối tượng này.
Và rồi chúng ta cũng phải tính toán đến sự cân bằng của dân số thế giới. Theo số liệu của tổ chức Y tế thế giới, có khoảng 378.000 ca tử vong mỗi năm từ năm 1985 đến 1994 do nguyên nhân chiến tranh. Cũng trong giai đoạn này, thế giới chứng kiến cuộc đại nhảy vọt về dân số: từ 4.8 tỷ lên 5.6 tỷ người. Không có chiến tranh, con người cũng vẫn sẽ chết vì tai nạn, các vụ giết người, tự tử, bệnh dịch…, nhưng cũng không quá khó để thấy rằng sự chấm dứt mọi cuộc chiến sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến việc gia tăng dân số thế giới.
Quốc gia không quân đội
Liệu một thế giới không chiến tranh có thể tồn tại? Điều này dẫn đến 2 luồng ý kiến, một số người cho rằng, xung đột vũ trang luôn là một phần không thể thiếu trong bản chất con người, nhưng một số người cho rằng, đó là một vấn đề có thể định danh và có thể giải quyết được.
Không một nguyên nhân nào có thể đơn độc gây ra một cuộc chiến. Bạn cần nhiều hơn thế để tạo ra một xung đột thực sự. Các nhà sinh học cho rằng, chiến tranh là một phần của bản chất con người, luôn công kích và luôn bạo động. Chẳng có cách nào khắc phục nó, trừ khi chúng ta tiến hóa sang một loài hoàn toàn khác.
Một số khác lại tìm đến những lý lẽ mang phần “người” hơn là “con”. Chiến tranh là một hiện tượng văn hóa khó định nghĩa, hay đó là một hành vi tất yếu mà bất cứ ai trong xã hội cũng đã có lần phải trải qua?
Trong một bài phát biểu vào năm 2011 về tương lai của một thế giới hòa bình, đức Đạt lai Lạt ma thứ 14 cho rằng, để có được hòa bình trên phạm vi toàn thế giới, con người phải tìm thấy sự bình yên trong chính tâm hồn mình. Đó cũng có thể là một phần của sự tiến hóa, chỉ khi nào trí óc con người trở nên bớt hiếu thắng, đố kỵ, khi đó chúng ta mới có thể có được hòa bình.
Cho đến giờ, chúng ta chỉ có thể tìm thấy những quốc gia dường như đã tách rời khỏi tình trạng chiến tranh. Năm 2011, đã có 19 quốc gia độc lập tồn tại mà không có lực lượng vũ trang thường trực, trong đó có Costa Rica, quốc gia đầu tiên đã bãi bỏ quân đội vào năm 1948. Họ chỉ giữ lại lực lượng an ninh công cộng, nhằm giải quyết những mâu thuẫn trong nước.
Tuy nhiên, lực lượng này vẫn cần đến một nguồn cung khoảng 293 triệu đô la Mỹ vào năm 2007, với số lượng lên đến vài nghìn công dân Costa Rica. Có thể đó không phải là một lực lượng vũ trang thực sự, nhưng số lượng này đã gấp gần 3 lần quốc gia Nicaragua láng giềng.
Mặc dù vậy, tình trạng quân sự của Costa Rica đã cho phép chính phủ nước này tập trung nhiều hơn những nguồn lực của mình vào giáo dục và cải thiện môi trường. Năm 2010, Quỹ hỗ trợ các nền kinh tế mới đã xếp chỉ số hạnh phúc của đất nước này lên trên mọi quốc gia trên thế giới.
Vậy, chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta ngừng chiến tranh? Có vẻ như mọi chuyện sẽ trôi qua ổn thỏa. Một vài người sẽ tiếp tục lưu giữ những cuộc chiến như là phần ký ức không thể thiếu, một vài người sẽ tỏ ra tiếc rẻ vì những ca khúc, cuốn sách, bộ phim hay game về đề tài chiến tranh có lẽ sẽ tuyệt chủng.
Liệu chiến tranh có thể biến mất hoàn toàn? Liệu những cuộc chiến đã, đang và sẽ diễn ra là hoàn toàn vô nghĩa, dù trên bất cứ phương diện nào? Quyền phán xét là của bạn.