17 tuổi, lưu những tin nhắn rất đặc biệt vào một thư mục riêng rồi xem như kho báu. Xóa những tin nhắn bình - thường khác để dành lưu lượng mà lưu. Tối nào cũng đọc lại vài lần rồi mới yên tâm đi ngủ.
20 tuổi, tin nhắn của cả gần năm trước còn đó nhưng cũng không còn muốn cuộn lên mà đọc lại. Những thứ đặc biệt cũng nằm lẫn lộn giữa những thứ bình thường. Có khi cũng chẳng buồn nghĩ xem cái gì đặc biệt…
17 tuổi, bất lực và mệt mỏi lắm mới đọc lại từng tin nhắn đã lưu rồi vừa khóc vừa xóa đi.
20 tuổi, nhắm mắt và thản nhiên xóa luôn cả tệp tin. Không tiếc, không buồn, không khóc.
17 tuổi, những tin nhắn lê thê giữa đêm luôn là một - cái - gì - đó phải nâng, phải giữ. Bất kể dù những điều đó có dành cho mình hay không.
20 tuổi, facebook hầu như đã làm thay mọi thứ. Dạo một vòng facebook là biết luôn những điều cần biết. Những chia sẻ công khai, những tâm sự dễ dãi thể hiện… Ít lắm những sms lê-thê.
20 tuổi, chẳng còn thèm khát những sms dửng dưng, nếu cần thì gọi điện. Danh bạ kéo qua kéo lại cũng dừng ở một vài cái tên. Cũng quan tâm, cũng bần thần, cũng lo lắng. Nhưng nhắn tin thì biết nói gì, có phiền hay không, có là đứa phá đám bỗng nhiên nhảy xổ vào cuộc đời họ (thêm lần nữa) không? Thoát ra rồi lại facebook.
17 tuổi, có sms nghĩa là mình còn được quan tâm. Không sms sẽ có cảm giác mình bị bỏ quên…
20 tuổi, dù cả tuần không ai nhắn tin hỏi thăm thì cũng không còn thời gian và tâm trí mà quan tâm, mà buồn nữa. Đã có quá nhiều thứ để nghĩ đến hơn.
17 tuổi, sms đủ đầy những điều muốn nói…
20 tuổi, giấu kín cho mình, và những tin nhắn chỉ gửi cho bản thân.
17 tuổi, có những điều đã như là lẽ sống, góp nhặt vui buồn từ những thứ nhỏ nhoi. Cái gì cũng dễ thành đặc biệt. Cũng vì thế mà trân trọng và nâng niu mọi thứ hơn.
20 tuổi, nhận ra cuộc đời không hào phóng với bất kì ai. Những thứ nhỏ nhoi nằm lại đó, chẳng đủ quan tâm để rồi mọi thứ cứ nhàn nhạt trôi đi. Cái gì thì cũng như nhau, chẳng ai đặc biệt hơn ai nữa rồi.
Theo Pháp Luật Xã Hội