Bạn nghĩ mình có thể làm được việc gì trong vòng 23 giờ? Chắc chắn là khá nhiều. Tuy nhiên, bạn không bao giờ tưởng tượng ra rằng, trong số những việc mình có thể hoàn thành trong khoảng thời gian đó lại bao gồm cả một kế hoạch tiếp thị hiệu quả, khoa học, hợp lý.
Vậy bạn hãy tham khảo “thời gian biểu” chi tiết được đưa ra dưới đây và thử áp dụng vào thực tế của công ty mình khi chuẩn bị soạn thảo chiến lược tiếp thị sắp tới.
Giờ thứ 1: Đánh giá tổng quan tình hình
Trước khi thiết kế “chiếc khung” cho kế hoạch tiếp thị của bạn, bạn cần xác định chỗ đứng của mình trên thị trường (thị phần mà bạn kiểm soát, vị trí của bạn trong cuộc cạnh tranh…) Bạn hãy hỏi một số người có uy tín đối với bạn và hãy lắng nghe ý kiến của họ. Hãy cố gắng khách quan và viết ra 4 – 5 đoạn văn để tổng kết về hoạt động kinh doanh của bạn (kể cả các quan niệm, triết lý kinh doanh mà bạn tâm đắc, điểm mạnh và điểm yếu mà bạn đang có…). Việc văn bản hóa mọi chi tiết như vậy sẽ giúp bạn làm việc dễ dàng hơn.
Giờ thứ 2-3: Đặt ra các mục tiêu cần hướng tới
Sau khi biết được mình đang đứng ở đâu, bạn có thể quyết định mình muốn đi đến đâu. Hãy tự hỏi bạn thân xem bạn đang cố gắng đạt được điều gì thông qua kế hoạch tiếp thị này: gia tăng doanh số bán hàng hay xây dựng một nhận thức nào đó về công ty bạn, hoặc nhiệm vụ bạn đặt ra là quảng bá danh tiếng công ty? Trên cơ sở đó, bạn sẽ soạn thảo một kế hoạch tiếp thị phù hợp với tình hình thực tế và mục tiêu cụ thể.
Hãy hình dung về từng mục tiêu kinh doanh của bạn. Mặc dù lạc quan là nét tính cách cần thiết đối với một doanh nhân, nhưng bạn vẫn phải giữ cái nhìn khách quan trước mọi việc. Bạn nên nhớ rằng ngay cả một kế hoạch tiếp thị hoàn hảo nhất cũng không đặt ra mục tiêu gia tăng 80% doanh số bán hàng trong vòng một năm tiếp theo, chỉ trừ một số hoàn cảnh đặc biệt (như giới thiệu một sản phẩm mới với nhiều ưu điểm nổi bật, hay sự biến mất đột ngột của đối thủ cạnh tranh nào đó…). Việc bạn có nhiều mục tiêu là điều tốt, nhưng bạn cần chú ý sắp xếp chúng theo thứ tự ưu tiên về tầm quan trọng và mức độ cấp thiết, như vậy bạn mới có thể xây dựng được kế hoạch thực hiện khả thi nhất.
Giờ thứ 3-4: Tiến tới mục tiêu
Đâu là nhóm khách hàng mục tiêu của bạn? Nếu bạn nói là “tất cả mọi người”, thì bạn cần suy nghĩ lại về câu trả lời đó. Ngay cả những công ty lớn nhất cũng không mù quáng hướng tới tất cả mọi đối tượng tiêu dùng trên thị trường. Thay vào đó, họ chỉ nhắm tới một khu vực khách hàng nhất định với các đặc tính riêng, từ đó xây dựng chiến thuật (gồm các thông điệp và phương tiện) để tiếp cận nhóm khách hàng này.
Hãy tìm hiểu thật kỹ lưỡng về nhóm khách hàng mục tiêu của bạn. Nếu bạn đang tiếp cận nhóm khách hàng là công ty, bạn hãy miêu tả rõ loại hình kinh doanh, mức doanh thu, địa điểm và các đặc tính quan trọng khác liên quan đến các công ty đó. Nếu người tiêu dùng là các khách hàng mục tiêu của bạn, hãy thu thập các dữ liệu về tuổi tác, giới tính, mức thu nhập trung bình, tình trạng hôn nhân … của họ. Tất cả những thông tin này càng cụ thể càng tốt. Bạn có thể sẽ có vài phân lớp khách hàng mục tiêu, nhưng hãy sẽ xếp chúng theo thứ tự ưu tiên.
Giờ thứ 4-9.5: Nghiên cứu kế hoạch của bạn
Bạn đã biết mình đang ở đâu và mong muốn đi đến đâu, giờ đã đến lúc bắt đầu cuộc chơi có tên “thám tử tư” để tìm ra lộ trình hợp lý nhất có thể đưa bạn đến đích. Lời khuyên ở đây là hãy nghiên cứu kỹ lưỡng các mục tiêu đã đề ra.
Thông tin về khách hàng tiềm năng luôn có sẵn từ nhiều nguồn khác nhau và đa phần là các thông tin bạn có thể truy cập miễn phí. Hãy dành đôi chút thời gian để tìm hiểu về yếu tố nhân khẩu học (các đặc điểm tự nhiên của khách hàng tiềm năng) và tâm lý học (các yếu tố tâm lý của khách hàng tiềm năng). Những đặc điểm nhân khẩu học có thể là tuổi tác, khu vực địa lý, mức thu nhập bình quân, tình trạng hôn nhân…, còn các đặc điểm tâm lý học sẽ là xu hướng, thói quen mua sắm, các phân đoạn thị trường, sở thích cá nhân….
Các hiệp hội thương mại và báo chí kinh doanh luôn là những địa chỉ tuyệt vời để bắt đầu công việc nghiên cứu của bạn, đặc biệt nếu bạn mong muốn tiếp cận khách hàng là công ty. Hãy tham khảo tài liệu của các tổ chức, hiệp hội thương mại khác nhau trong lĩnh vực kinh doanh của bạn để có thêm thông tin về khách hàng. Còn nếu khách hàng tiềm năng của bạn là người tiêu dùng trong khu vực, bạn hãy ghé thăm Uỷ ban phát triển kinh tế địa phương. Các cơ quan này thường cung cấp những trợ giúp nhất định cho hoạt động nghiên cứu thị trường của bạn và thông thường mỗi cơ quan đều có một website riêng.
Khi đã có trong tay các thông tin về khách hàng tiềm năng, bạn hãy lập một bộ hồ sơ chi tiết về các phân đoạn thị trường của bạn. Bạn nên đưa vào đó tất cả các thông tin nhân khẩu học và tâm lý học mà bạn có thể. Ví dụ, nếu bạn đang bán một sản phẩm nào đó tới các dân cư tại khu đô thị mới, bạn hãy xác định xem có bao nhiêu phần trăm người dân tại địa phương đang sở hữu nhà tại đây. Mức thu nhập trung bình của một hộ gia đình là bao nhiêu? Phần lớn các gia đình có con nhỏ không? Với những thông tin cụ thể, bản kế hoạch tiếp thị của bạn sẽ đạt hiệu quả cao hơn.
Nguồn Brandhoo