Để lăng xê một tên tuổi trong giới showbiz, các ê-kíp đều có những chiêu trò khác nhau nhưng ít nhất vẫn luôn có giới hạn rạch ròi giữa chiêu trò bình thường và chiêu trò “bẩn” - được ví như con đường “tà đạo” để nổi tiếng bằng mọi giá.
"Bà T." - nhân vật đang gây xôn xao với những phát ngôn, hình ảnh bị đánh giá là phản cảm
Để lăng xê một tên tuổi trong giới showbiz, các ê-kíp đều có những chiêu trò khác nhau nhưng ít nhất vẫn luôn có giới hạn rạch ròi giữa chiêu trò bình thường và chiêu trò “bẩn” - được ví như con đường “tà đạo” để nổi tiếng bằng mọi giá.
Nếu như trước đây, những nhân vật trong giới showbiz có khi phấn đấu trầy trật cả chục năm vẫn không được nhiều người biết đến, thì chỉ trong thời gian chưa đầy hai tháng, cô gái trẻ “bà T.” đã khuấy động dư luận, từ Youtube đến Facebook, từ các trang thông tin điện tử, các diễn đàn mạng đều bàn tán sôi nổi, dù là với thái độ không mấy tích cực. Sự phát triển của công nghệ số đưa đến cơ hội cho những nghệ sĩ quảng bá tên tuổi, tác phẩm của mình đến với công chúng nhưng cũng tạo ra mặt trái méo mó của đời sống giải trí, tạo cơ hội cho những kẻ bất tài thích nổi tiếng bằng mọi giá.
Việc quay các clip hở hang, táo bạo, “bất bình thường”, tạo hình “xấu khủng khiếp” của các nhân vật “bà T.”, “siêu nhân K. sịp vàng”, “Chippy P.”… nếu quan sát kỹ không hề là những hành động nông nổi, “thiếu não”, điên khùng… như các “cư dân mạng” bình luận, mà là chiêu thức PR đầy toan tính và rõ ràng đã đạt được kết quả nhất định. Trong cơn “ném đá” hăng hái của cộng đồng, những “thương hiệu” đó đã được truyền đi một cách hoàn toàn miễn phí. Ngay cả các phóng viên cũng đứng trước sự lưỡng lự: nhắm mắt làm ngơ hay lên án những chiêu trò PR tà đạo (mà vô tình lại góp phần PR cho chúng)?
Dễ dàng nhận ra các clip tuy phản cảm, đả kích những giá trị truyền thống nhưng lại không hề vi phạm pháp luật để có thể bị xử phạt. Và nếu không có những ê-kíp chuyên nghiệp gồm các bộ phận truyền thông, pháp lý của các công ty internet - game - giải trí lớn đứng phía sau, liệu các clip, các trang Facebook cá nhân kia có tạo được “bão truyền thông” lẫn hàng chục, hàng trăm ngàn lượt like - thích, lượt follow - theo dõi như vậy? Có phải vì hiệu quả PR của cách làm phản cảm này quá cao so với đường đi nước bước thông thường, mà dù phải “mặt dày” hứng chịu những hòn đá tảng, các ê-kíp và nhân vật trung tâm vẫn nhất định “nhắm mắt đưa chân”?
Chị T. T., người phụ trách mảng truyền thông xã hội của công ty dịch vụ internet, cho biết có rất nhiều kênh để tạo bão dư luận ảo. Từ các kênh video như Youtube, Zing; các diễn đàn như Truongton, Webtretho; các kênh Facebook, Twitter, Zing me, các phóng viên - blogger - fanpage hot sẵn có… Sẽ có một nhóm cộng tác viên chuyên đi “bình luận”, “ý kiến ý cò” dưới các video, chia sẻ link và tâng bốc, ném đá trên các diễn đàn, dưới các bài báo, topic được “mua”. Những hội anti và hội hâm mộ sẽ được lập ra cùng một lúc (có khi do cùng một người quản lý) chỉ để cho “cộng đồng mạng” thấy rằng nhân vật đó, sản phẩm đó đang hot và xúm vào tranh cãi, càng tranh cãi thì hiệu quả truyền thông càng được xem là thành công. Và hiện nay, có khá nhiều công ty lẫn cá nhân có khả năng “thầu” dịch vụ này, với đội ngũ cộng tác viên bán thời gian là các sinh viên có… máy tính.
Có rất nhiều cách để một người bình thường trở nên nổi tiếng. Ngoài việc có tài năng và một chút duyên may của nghề nghiệp, không thể không kể đến “chiêu trò” của những phù thủy truyền thông tầm cỡ… Việt Nam đứng sau các nghệ sĩ, như cho họ “sảy miệng” khi phỏng vấn, tạo nghi án yêu đương, bệnh giả, tai nạn giả, làm từ thiện, mặc quần áo “đụng hàng”… Đa phần, để nổi tiếng đều cần một quá trình, mà bên cạnh chiêu trò chỉ là một thứ phụ trợ, nghệ sĩ phải bắt buộc có nhiều sản phẩm chất lượng - đó là vai diễn, là album, giải thưởng trong các cuộc thi… mà họ phải lao động cật lực cộng thêm may mắn mới có được.
Nhưng nay, do tâm lý thích nổi tiếng thật nhanh trong khi độ táo bạo tỷ lệ nghịch với tài năng, thì các chiêu trò đã phong phú và nặng "đô" hơn rất nhiều, trong đó ngày càng nhiều chiêu trò “bẩn” xuất hiện. Ngoài chuyện cố ý ăn mặc gây sốc, lộ hàng khi đi sự kiện, khi trình diễn, thi thoảng, vẫn có những e-mail “nặc danh” tố cáo nhân vật A, B, lừa tình cướp chồng, lộ clip sex thậm chí là đồng tính, hiếp dâm… gửi đồng loạt đến các hot blogger, phóng viên và một số vẫn vô ý hoặc cố tình “dính bẫy”. Phổ biến hơn là việc quay các clip hở hang, điên rồ, táo bạo và ngày càng “nặng” hơn để được nhiều người biết đến nhằm kiếm tiền, dù đó là danh tiếng hay tai tiếng.
Trong thời kỳ vàng thau lẫn lộn của showbiz Việt, mà những tên tuổi scandal, thảm họa vẫn “có đất” đứng chung với các nghệ sĩ có thâm niên hàng chục năm trong nghề, những chiêu trò PR bẩn sẽ giúp một số người, một số ê-kíp nhanh chóng kiếm được tiền. Tuy nhiên, cố gắng tạo bong bóng truyền thông bằng những chiêu trò phản cảm, lợi lộc sẽ không bền như “bia miệng” người đời - cái giá mà họ phải đổi lại là sự coi thường, tẩy chay của cả dư luận, không chỉ với bản thân mà còn cả những người vô tội phải liên quan!
Theo Phụ nữ Online