Tổng hành dinh của CTCP Vật Giá Việt Nam (Vatgia.com) luôn tấp nập người qua lại và ai cũng tất bật với những cuộc họp ý tưởng, giao dịch hàng hóa, gặp gỡ đối tác. Một văn hóa Vatgia màu sắc sống động, nhưng được sắp xếp ngăn nắp, sạch sẽ. Văn hóa này được hình thành từ lối sống chiều sâu, điềm đạm của người sáng lập Nguyễn Ngọc Điệp. Lối sống đó không thể hiện qua cái gọi là triết lý cao siêu hay những dự án loằng ngoằng, mà đi từ cái nhỏ nhặt nhất.
>>> Góc Marketing
Điệp hay để ý cách mọi người để đôi dép khi bước vào phòng làm việc và khi ra khỏi nhà vệ sinh. Hay từ cách họ để cốc trên bàn có đúng vị trí, có sạch sẽ hay không.
“Đó là điều nhỏ nhất tôi yêu cầu các thành viên trong Công ty phải thực hiện. Nhiều người phản kháng mạnh vì đó là thói quen của Việt Nam. Nhưng điều đó phản ánh đẳng cấp của mỗi con người . Tôi không ngần ngại từ chối nhận họ nếu họ không làm được điều ấy”, Điệp nói và minh chứng cho sự sâu xa này là có nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu Công ty, mình trình bày với họ đủ kiểu, trong vòng 2 - 3 tiếng, nhưng họ không khen câu nào. Nhưng sau khi họ xin đi vệ sinh, họ rất hài lòng với Công ty và đã có những hợp đồng nảy sinh từ chuyện nhỏ như vậy.
Rõ ràng, họ không nhìn vào bộ mặt bảnh bao, những công ty hoành tráng, mà họ nhìn vào khu vệ sinh, vốn là nơi thể hiện bản chất sâu xa nhất của con người. Thậm chí, nói lên cách sống của một xã hội, một dân tộc.
Ít người biết rằng, Nguyễn Ngọc Điệp cá tính và mạnh mẽ như ngày hôm nay lại thích đọc truyện cổ tích về nàng công chúa, hoàng tử và ước mơ của anh được hình thành từ đó. Mỗi ngày, khi câu chuyện cổ tích đó khép lại, anh lại muốn làm điều gì đó để góp vui cho mọi người, cho cuộc sống tốt hơn. Vậy nên, dù là cháu ngoại của thương hiệu nhà may vest nổi tiếng ở Hà Nội, nhưng anh lại không nghĩ mình sẽ trở thành một thợ may hay một nhà thiết kế thời trang có tiếng.
“Tôi rất trân trọng nghề truyền thống của gia đình, nhưng vấn đề không phải là làm cái gì, mà mình muốn đi đến đâu. Thời trang chỉ là ngành cho tôi một công việc ổn định, đó là điều tôi không cam chịu. Muốn tạo được cuộc sống tuyệt vời, chỉ có thông qua Internet”, Điệp chia sẻ.
Đặc biệt, đã xác định làm kinh doanh, thì phải chọn con đường đáp ứng nhanh chóng khát vọng làm giàu của bản thân. "Không dại gì mà nhảy vào lĩnh vực khác mà tốn nhiều thời gian, công sức, chi phí. Huống chi xã hội Việt Nam đang hình thành những con người có độ tiếp cận công nghệ thông tin rất nhanh”, Điệp nói.
Hiện Vatgia.com được đánh giá là website số 1 về thương mại điện tử tại Việt Nam, với 24.000 cửa hàng đăng ký tham gia bán sản phẩm, hơn 1,2 triệu người truy cập mỗi ngày và đạt giá trị giao dịch 4.000 tỷ đồng/năm.
Năm 2012, kết quả kinh doanh mảng bán lẻ online tăng 30% - mức tăng trưởng đáng ngưỡng mộ so với các đối thủ, nhưng với Điệp, đó là sự thất bại. Năm nay, Công ty vẫn tập trung đánh mạnh vào mảng online, với mục tiêu tăng 40 - 60% so với năm 2012. Ngoài ra, Điệp đang cân nhắc kế hoạch mạo hiểm là đầu tư mạnh vào mảng kho vận, cửa hàng.
Điều nuối tiếc nhất trong năm 2012 với Điệp là quyết định phải loại bỏ 30% nhân viên kinh doanh. “Đáng lẽ, họ không bị mất việc, nhưng vì cuộc chơi quá khắc nghiệt. Nếu ở thời điểm khác, tôi có đủ thời gian cho họ thêm cơ hội nhưng lúc này thì không thể”, Điệp trầm ngâm.
Cũng dễ hiểu thôi, vì Điệp đang phải điều khiển một cuộc chơi với độ khó nâng lên gấp 20 lần khi số lượng nhân viên của Vatgia.com đã mon men đến con số gần 1.000, chủ yếu ở độ tuổi non trẻ. Điệp mất nhiều thời gian quát tháo vì họ trẻ, có hoài bão, ước mơ, nhưng lại sống với những giấc mơ hão huyền, mà không thức để thực hiện ước mơ đó. Điệp hiểu rằng, những công ty càng lớn, càng phình to, thì độ chây ỳ của nhân viên càng cao, không linh hoạt và làm việc kém hiệu quả. Để điều khiển họ đi theo hướng tạo ra lợi nhuận cho Công ty là cả một thách thức đối với Vatgia lúc này. Nó làm cho những người có vị trí như Điệp lúc nào cũng có cảm giác mệt mỏi, thất vọng vì mọi việc không theo ý mình. Những ức chế ấy có thể làm cho Điệp chùn bước… Nhưng sứ mệnh buộc anh phải gồng gánh.
Trong tương lai, Điệp muốn xây dựng Vatgia trở thành một công ty như Google, Apple, Amazon... Điệp không ngần ngại bày tỏ độ tham vọng sẽ phát triển giống như Amazon. Bởi Điệp biết mã hóa mô hình Amazon cho phù hợp với bối cảnh công ty và thị trường Việt Nam.
Triết lý kinh doanh mà Điệp đã học được từ họ là kẻ mạnh nhất cũng chết, kẻ thông minh nhất cũng chết. Việc biến hóa để thích nghi là cực kỳ quan trọng, vừa làm, suy nghĩ và làm mọi cách để thoát khỏi tâm lý bầy đàn, thích đi theo lối mòn, vốn là bản tính của con người.
Kinh doanh ở Việt Nam vốn dĩ cứ cái gì thấy lạ một tý là dư luận có tâm lý bất an, hoặc những người đi ngược lại với tập thể lập tức trở thành cái gai trong mắt mọi người. Song thời điểm này, mà không đi ngược với xu thế thì không thể tồn tại.
Với quyết định trên, Điệp đã vấp phải sự phản kháng mạnh từ nhân viên, vì nó quá mạo hiểm. Nhưng thật may, Điệp đã chứng minh sự lựa chọn của mình là đúng. Thị trường Mỹ, Nhật Bản, họ đã đi như thế và Điệp nhìn thấy ở họ những con đường, bài học mà họ đã reo rắc. Các quỹ đầu tư cũng tìm kiếm những công ty đi theo mô hình này để giảm rủi ro. Chẳng thế mà, Vatgia giờ trở thành con cưng trong mắt các quỹ đầu tư công nghệ mạo hiểm của Nhật Bản, Hàn Quốc.
“Rất nhiều đối thủ đã nhìn thấy điều đó, nhưng rõ ràng tôi đã nhanh hơn họ một bước. Nếu họ bắt chước, tôi phải nhanh chóng thay đổi. Cái này tùy thuộc độ lửa ở mỗi người”, Điệp khẳng định chắc như đinh đóng cột, nhưng cũng thú thực là nhân viên của Vatgia làm việc theo nhóm kém.
“Đôi khi, tôi nói với họ là các công ty trên thế giới, có tới 6.000 – 7.000 người chỉ làm mỗi kỹ thuật, mà làm rất tốt, nhưng ở Việt Nam, chỉ làm nhóm 6 - 7 người là đã không chịu được”, Điệp nói và cho biết, để thay đổi thói quen, suy nghĩ này là không đơn giản. Nhưng Điệp đã tìm mọi cách để giữ lửa cho công ty như lúc mới thành lập. Điệp chia nhỏ Công ty thành những nhóm 4 - 5 người, buộc họ phải chịu trách nhiệm với từng nhiệm vụ nhỏ nhất. Điệp thực hiện triệt để 6 giá trị làm việc là tự tin, dám làm, chăm chỉ, làm triệt để ra giá trị, tinh tế, chia sẻ. Trong đó, yếu tố chia sẻ được Điệp đánh giá cao hơn cả.
“Điều quan trọng nhất trong cuộc sống là chia sẻ. Mọi người đến với Vatgia không phải làm công ăn lương, mà họ cùng làm để trở thành những ông chủ nhỏ của Công ty. Nếu làm từ 1 năm trở lên, tôi đều cho họ số cổ phần nhất định, để họ có trách nhiệm góp sức đưa Vatgia đi lên”, Điệp chia sẻ.
35 tuổi, Điệp thấy mình già, không phải vì anh đã đủ sự trải nghiệm thương trường, mà anh nhìn vào thế hệ doanh nhân 8X, 9X, nhưng họ đã trở thành những ông chủ nhỏ trong ngành công nghệ thông tin.
Nhìn lại những gì mình làm, những con đường đã đi, những quyết định mang tính thời cuộc, điều khiến anh thấy phục mình nhất là tại sao lại có nhiều năng lượng để làm ngày, làm đêm ròng rã 6 - 7 năm liền như vậy, bởi nhân viên của anh chỉ làm vài tiếng trong ngày, đã thấy không còn cảm hứng trong công việc.
“Tôi may mắn vì mình có khả năng như vậy. Có nhiều người không may mắn, họ không tìm cách để yêu công việc mỗi ngày”, Điệp tự hào về điều đó nhưng cũng tự thú nhận về điểm yếu về cách truyền đạt thông tin đến mọi người xung quanh, càng làm càng thấy mình không hiểu gì cả. Thậm chí, sản phẩm mình làm ra rất tốt rồi, nhưng người dùng lại đón nhận một cách thờ ơ.
Mỗi giờ trôi qua, anh đều có suy nghĩ sẽ nhân bản được người có suy nghĩ và đam mê làm việc giống mình. Việc này cực kỳ khó. Nhưng hơn 1 năm qua, anh đã bắt đầu hành trình ghi nhật ký công sở và công khai cho tất cả nhân viên, để mọi người cùng chia sẻ sứ mệnh gồng gánh Vatgia với anh.
Cá tính, mạnh mẽ, ngông là đặc điểm tính cách nổi trội mà những người trong giới kinh doanh thương mại điện tử, truyền thông nói về anh. “Tôi không ngông!”, Điệp phản biện lập tức và khẳng định: “Tôi có 4 giá trị làm người, gồm ước mơ, khiêm tốn, chính trực, biết ơn đồng nghiệp. Trong đó, giá trị lớn nhất là khiêm tốn”.
Đối thoại với Nguyễn Ngọc Điệp
Sau mỗi lần thất bại, anh đã làm gì để lấy lại phong độ?
Tôi không muốn mất thời gian vì bệnh sĩ, buồn rầu hay muốn bỏ đi một thời gian vì thấy xấu hổ với bạn bè, đồng nghiệp. Chỉ cần biết vì sao thất bại và không để tái phạm chuyện hao hao như vậy là đủ rồi.
Nếu lúc này có một nhà đầu tư trả giá rất cao để mua Vatgia, anh có bán không?
Chỉ bán khi tôi hết tình yêu với nó và tìm thấy một tình yêu khác có sức hấp dẫn hơn nhiều.
Người như thế nào sẽ có cơ hội trở thành bạn của anh?
Những người không giống tôi. Đó là cách để tôi giao phối ý tưởng, thay đổi lối mòn tư duy của mình.
Theo Báo Đầu Tư